Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để đất nước "hóa rồng"

Việt Nga| 09/05/2019 10:42

(HNMO) - Sáng 9-5, Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề

Trước giờ khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã tham quan Triển lãm công nghệ Việt Nam. Ảnh VGP/Quang Hiếu


Trước khi tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương đã tham quan triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn, tiềm năng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sản xuất và cung cấp. Khu trưng bày được thiết kế và chia theo 5 khu vực: Công nghiệp 4.0; kinh tế, tài chính, thương mại điện tử; giao thông, xây dựng và tài nguyên, môi trường; y tế, du lịch; nông nghiệp và chuyển đổi số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự tại Diễn đàn.



Cần tạo thách thức cho doanh nghiệp công nghệ

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ, lần đầu tiên tại Diễn đàn này công bố chiến lược về phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Theo đó, "Make in Vietnam" nghĩa là sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam. Vì nếu chỉ lắp ráp, thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình.

Nói về giải pháp để phát triển các doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, Chính phủ chính là hộ chi tiêu lớn nhất, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Vì vậy, năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp, khi đó, Việt Nam sẽ là nơi để nhân tài toàn cầu hội tụ.

Chính phủ sẽ cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

"Đối với người tài xuất sắc thì điều đầu tiên là được sáng tạo, có thách thức, thách thức càng lớn càng lôi cuốn họ. Diễn đàn sẽ lắng nghe những đề xuất để Việt Nam có thể thu hút nhân tài toàn cầu" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó là giải pháp xây dựng quỹ để phát triển công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh việc đề xuất một số giải pháp về tạo thêm thách thức để doanh nghiệp phát triển. Đó là Chính phủ đặt ra những tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho các sản phẩm Việt Nam, để từ đây các doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ.

Bước vào phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán của Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ ứng dụng công nghệ Việt giải quyết bài toán của địa phương.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Mỗi địa phương phải tìm ra những giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề vận hành bộ máy. Vì vậy, số hóa đóng vai trò cơ bản, để giải quyết những vấn đề của một đô thị lớn như Hà Nội.

Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hóa giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu.

Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: Chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân sử dụng công nghệ số. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thành phố đang thực hiện 17 chương trình ứng dụng công nghệ ở hầu hết các lĩnh vực lớn.

Hà Nội hiện có 3.530 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động trên địa bàn, tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng (năm 2018). giải quyết việc làm cho trên 700.000 lao động, đóng góp lớn cho ngân sách thành phố. Đây là một kết quả chứng minh Hà Nội đang thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, phục vụ phát triển thành phố thông minh...

Sau phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp Misa, CMC, Vingroup... đã tham luận, hiến kế giúp Việt Nam phát triển...

 Dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao để Việt Nam, dù đi sau vẫn có thể thành công

Đánh giá cao ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các ý kiến trong Diễn đàn có nhiều kiến nghị sâu sắc đến Chính phủ. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ TT-TT chủ trì xây dựng dự thảo Chỉ thị, Chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trình Chính phủ trong tháng 6-2019, để làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ.


Theo Thủ tướng, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ liên tục động viên doanh nghiệp và tin rằng Việt Nam sẽ phát triển nếu có những doanh nghiệp toàn cầu, biết đổi mới sáng tạo và có tinh thần tự tôn dân tộc. Việc phát triển công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam vươn ra thế giới. Song cũng cần thấy rõ những tồn tại cản trở quá trình phát triển cần được tháo gỡ bằng các giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, công nghệ là yếu tố chính đưa Việt Nam thành nước phát triển, thoát "bẫy" thu nhập trung bình, để đến 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng. "Cần làm chủ công nghệ, hoàn thiện quản lý để trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ công nghệ mà còn phát minh, sáng chế công nghệ. Có nghĩa là dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra giải quyết bài toán toàn cầu" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hóa rồng" vào năm 2045. Với xu thế sôi động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các doanh nghiệp công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế nhiều tài nguyên không còn là vị thế mà đổi mới sáng tạo mới là yếu tố sống còn. Đây là một trong những động lực mới để phát triển kinh tế Việt Nam. Thủ tướng phân tích: "Tiềm năng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn. Đó là con người thông minh, sáng tạo, cần cù, thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào mọi ngõ ngách, tạo ra một quốc gia thông minh".

Thứ ba, cuộc Cách mạng công nghiệp lần tư là cơ hội cho những ý tưởng, sáng tạo mới. Cơ hội đến từ chính sự nỗ lực trong thách thức đó và chúng ta cần phát huy lợi thế trong thời đại số. Do vậy, cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao để Việt Nam, dù đi sau vẫn có thể thành công.

Thứ tư, cần vượt qua rào cản và thách thức bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt. Doanh nghiệp công nghệ có nhiệm vụ đưa nền kinh tế lên tầm cao hơn, dẫn dắt nền kinh tế... Cụ thể chính là thực hành khẩu hiệu "Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam".

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian không chờ đợi nên cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, Việt Nam cần hành động ngay.

Trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định vì vậy cần nhận thức đúng về cuộc Cách mạng lần thứ tư. Cần khuyến khích doanh nghiệp lớn đã thành công thể hiện tinh thần trách nghiệm, đặt sứ mệnh doanh nghiệp gắn liền với sứ mệnh quốc gia. Khuyến khích doanh nghiệp vươn xa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và các bộ liên quan trong việc sớm ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Đồng thời đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận. Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm; nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để đất nước "hóa rồng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.