(HNMO) – Tin từ Bộ Công thương cho biết, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013, Bộ sẽ tổ chức đoàn 18 doanh nghiệp đi giao thương tại thành phố Alger, Algeria, từ ngày 18 – 24/10/2013.
Mục đích của chuyến công tác nhằm nghiên cứu, khảo sát thị trường, tiến hành các hoạt động giao thương, gặp gỡ đối tác bạn hàng, quảng bá hình ảnh sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Algeria tập trung vào các ngành hàng như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa; thủy sản đông lạnh, đóng hộp; điện tử gia dụng, máy tính và linh kiện; giày dép, hàng dệt may; sản phẩm từ cao su, chất dẻo nguyên liệu; máy công nghiệp, máy cơ khí, máy nông nghiệp; Hóa chất, sắt thép; linh kiện phụ tùng ôtô, xe máy; vật liệu xây dựng.
Algeria nằm ở khu vực Bắc Phi, dân số khoảng 37,4 triệu người. Trong lĩnh vực kinh tế, Algeria có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ 7 trên thế giới, đứng thứ 2 về xuất khẩu khí tự nhiên và đứng thứ 14 về trữ lượng dầu mỏ.
Do khả năng tự cung ứng của thị trường nội địa còn rất hạn chế nên Algeria có nhu cầu nhập khẩu lớn và ngày càng tăng các mặt hàng nói trên. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý chiến lược, Algeria còn là cửa ngõ để hàng hóa châu Á thâm nhập thị trường các nước khu vực Tây và Trung Phi.
Xuất khẩut thủy sản - mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. |
Trong những năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Algeria không ngừng tăng cao. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 129 triệu USD, tăng 28% so với năm 2011 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Phi.
Nhập khẩu của Việt Nam từ Algeria không đáng kể chỉ đạt 1,2 triệu USD năm 2012. 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 101,33 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2012, trong đó cà phê chiếm 31,52 triệu USD, gạo 28,6 triệu USD, điện thoại và linh kiện 10,8 triệu USD, hạt tiêu 10 triệu USD, hàng hải sản 5,5 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 4,8 triệu USD, sản phẩm sắt thép 3,2 triệu USD, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cơm dừa, linh kiện ôtô CKD, SKD, sản phẩm dệt may, hóa chất, sản phẩm chất dẻo...
Mặc dù có những tiến bộ nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng do hai bên ít trao đổi các đoàn doanh nghiệp, thiếu thông tin thị trường và sự tiếp xúc trực tiếp.
Theo đó, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á- Bộ Công Thương tổ chức đoàn xúc tiến thương mại lần này nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng và đẩy mạnh xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.