Kinh tế

Linh hoạt đổi mới công tác xúc tiến thương mại

Thanh Hiền 07/07/2024 - 06:23

Từ đầu năm đến nay, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đạt kết quả tích cực, giúp lĩnh vực xuất, nhập khẩu nửa đầu năm 2024 tăng trưởng cao.

Có được kết quả đó là nhờ đẩy mạnh khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời, linh hoạt đổi mới, đa dạng hóa các phương thức qua chuyển đổi số.

cong-ty-co-phan-sua-viet-nam-vinamilk-tham-gia-hoi-cho-gulfood-tai-dubai-cac-tieu-vuong-quoc-a-rap-thong-nhat-..jpg
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tham gia Hội chợ Gulfood tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất).

Nhiều hoạt động được triển khai

Theo Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội đạt 28,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 11%, nhập khẩu tăng 14,9%.

Để đạt được kết quả này, công tác xúc tiến thương mại trong nửa đầu năm 2024 được triển khai kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng thị trường mới ở các khu vực châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại đã tập trung khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới; phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tư vấn, cung cấp thông tin thị trường cho địa phương, doanh nghiệp…

Đề cập về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung hơn vào các nhóm mặt hàng, thị trường cụ thể nhằm hỗ trợ hàng hóa của doanh nghiệp tiếp cận bạn hàng ở nhiều thị trường khác nhau.

Bằng các giải pháp kể trên, xuất khẩu hàng hóa của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn trong 6 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; Liên minh châu Âu - EU đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%...

Kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại

Có thể thấy, trong nửa đầu năm 2024, mặc dù thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, song công tác xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe...; sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho rằng, việc mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như: Tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương…, mà phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số, trong đó thương mại điện tử sẽ là “từ khóa” xuyên suốt trong giai đoạn tới.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động thương mại, ông Nguyễn Ánh Dương cho biết, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời linh hoạt đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này. Đặc biệt là tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...

Về phía Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho hay, thời gian tới, Cục sẽ linh hoạt đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại số đối với thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam cùng các thị trường tiềm năng; chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trên nền tảng số, thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt đổi mới công tác xúc tiến thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.