Thị trường

Tìm đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản địa phương:Tăng kết nối, xúc tiến thương mại

Thanh Hiền 15/09/2024 - 06:24

Trong bối cảnh đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương còn gặp nhiều khó khăn thì giải pháp kết hợp kênh bán hàng truyền thống và kênh thương mại điện tử, liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… là yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng, miền.

nong-san.jpg
Người tiêu dùng mua hàng ở phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền tại Hà Nội. Ảnh: Phương Thuận

Đầu ra nông sản chưa ổn định

Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) hiện là đơn vị duy nhất tại tỉnh Hòa Bình có dây chuyền sơ chế sau thu hoạch sản phẩm cam tươi, sản lượng bình quân khoảng 300 tấn/năm. Giá bán bình quân cao hơn mặt bằng chung thị trường khoảng 20%.

Cùng với kênh bán hàng truyền thống, Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong đã phát triển kênh thương mại điện tử. Sau mỗi lần livestream (phát video trực tuyến) bán hàng, hợp tác xã kết nối với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối. Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong Vũ Thị Lệ Thủy cho biết, có thời điểm đơn vị chốt bán được 3 tấn cam/ngày nhờ livestream. Ngoài ra, qua kênh Facebook với hơn 1.000 người theo dõi giúp hợp tác xã giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hợp tác xã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng mối liên kết bền vững với người tiêu dùng thông qua các chương trình giáo dục, các buổi trải nghiệm thực tế truyền thông về lợi ích của sản phẩm nông nghiệp bền vững; phát triển những mô hình kinh doanh sáng tạo như cửa hàng nông sản sạch, trang trại tham quan và học tập.

"Hiện tại hợp tác xã gặp một số khó khăn như quy mô còn hạn chế, chưa có công nghệ chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng sản phẩm, chưa có nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, cơ sở hạ tầng nhà kho, máy móc, chưa có điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm", bà Vũ Thị Lệ Thủy cho biết.

Tương tự Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong, với hàng nông sản, đặc sản địa phương, theo các hợp tác xã, việc bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất sạch, bền vững không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm, đầu ra cho nông sản chưa ổn định.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) Bùi Thị Hải Yến cho biết, hợp tác xã sản xuất ra các sản phẩm cơm cháy mang thương hiệu “Én vàng”, các loại bánh tươi… từ nguyên liệu đặc sản nên giá thành sản phẩm khá cao. Trong khi người tiêu dùng mong muốn được mua hàng với giá rẻ nhưng chất lượng.

“Để người dân tin tưởng và biết nguyên, vật liệu được rõ ràng, chúng tôi phải giới thiệu từ quy trình sản xuất đến từng vùng nguyên liệu, lâu dần người tiêu dùng sẽ hiểu và tin tưởng lựa chọn sản phẩm”, bà Bùi Thị Hải Yến chia sẻ.

Cũng theo bà Bùi Thị Hải Yến, hợp tác xã mong muốn đưa được sản phẩm vào kênh siêu thị, song lại gặp phải rào cản đó là những đòi hỏi quá khắt khe, đặc biệt là công nợ dài ngày và chi phí cao khiến sản phẩm của hợp tác xã chưa thể vào kênh phân phối hiện đại.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại

Trong bối cảnh đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương còn gặp nhiều khó khăn, công tác xúc tiến thương mại đã được các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, những năm qua, trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền nhằm kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã với siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn trong cả nước theo chuỗi giá trị nông sản với hệ sinh thái đầy đủ, khép kín, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại và phân phối tới tay người tiêu dùng.

Đồng thời, trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung vào thị trường trong nước với phương châm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản theo hướng sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.

Cũng theo ông Nguyễn Ánh Dương, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… Vì vậy, tại các hội chợ, phiên chợ nông sản, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã cần tập trung nhiều vào hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông sản, đặc sản các tỉnh, thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước.

Đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vào hệ thống các siêu thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, đặc sản sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản địa phương: Tăng kết nối, xúc tiến thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.