Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều ước trong ''cơn say''

Lê Hoàng| 09/07/2021 18:40

(HNMCT) - Mạng xã hội có cả điểm sáng và khoảng tối, không phải toàn những điều thú vị như nhiều người cảm nhận trong lúc say sưa với cuộc sống ảo. Ở đó có cả những lời thị phi, hàng đống tin giả, tin sai sự thật; bên điều tốt đẹp có cả lối ứng xử mang tính bắt nạt, mạt sát, lừa đảo, vu khống được ẩn dưới vỏ ngôn ngữ, hình ảnh hoa mỹ... Những gì đang diễn ra gợi ý về một điều ước - sự cần có giải pháp quản lý tiếp theo, một cách tiếp cận tỉnh táo hơn từ phía người dùng mạng xã hội ngay cả khi nhiều người còn chưa thoát khỏi cơn mê đắm với cuộc sống ảo.

Mạng xã hội có cả điểm sáng và khoảng tối, mỗi người cần có cách tiếp cận tỉnh táo hơn để tránh khỏi sự mê đắm với cuộc sống ảo.

Hại lớn, hại nhỏ

Nếu nghĩ mạng xã hội (MXH), như YouTube, Facebook... là một cuộc chơi đơn giản, một cách giải trí đơn thuần vô hại thì hẳn một lúc nào đó chúng ta sẽ phải thất vọng với nhận định đó. Niềm vui, chuyện vui thì nhiều lắm, nhưng bên cạnh đó là những hệ lụy không thể đong đếm về mặt thiệt hại đối với cá nhân, gia đình, thậm chí là cộng đồng.

Mới đây thôi, khi thành phố Hồ Chí Minh đang phải vật lộn với làn sóng dịch mới, cả nước chung hướng nhìn chia sẻ về thành phố phương Nam thì trên MXH bỗng xuất hiện thông tin về đoàn tình nguyện của ngành Y tế Hải Dương vào chung tay cùng người dân thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Vẫn là lối viết lấy chi tiết để khẳng định toàn thể, phê phán gay gắt ngay cả khi không được tiếp cận thực tế hiện trường. Vẫn là hiệu ứng tâm lý đám đông thường thấy khi lời phê phán được viết ra bởi ai đó “có tiếng nói trên mạng”, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí được nhiều người biết tới. Từ vài dòng phiếm chỉ, thế giới ảo sôi sùng sục với những like, comment và share, từ lời chỉ trích về một vấn đề chưa rõ sáng tối của một vài người trở thành làn sóng phê phán kích động mang ý phân biệt vùng miền.

MXH là thế, chỉ một status vài chục chữ được viết ra với lối nghĩ tồi tệ có thể gây sóng gió cho tình đoàn kết giữa người với người, đe dọa mối quan hệ hòa ái giữa nơi này với vùng khác. Đó là vấn đề lớn, cũng như khi nhiều người dè bỉu chuyện người Việt ở nước ngoài treo cờ Tổ quốc trên khán đài sân vận động ở châu Âu. Bạn có thể thích hay không thích điều đó, nhưng khi viết, comment trên Facebook rõ ý chỉ trích người khác là “thể hiện tư thế nhược tiểu”, “thói ăn theo”, “thô bỉ”... thì câu chuyện đã sang một hướng khác. Chính cách phản biện vô trách nhiệm có thể là một phần nguyên nhân khiến Microsoft từng xếp Việt Nam vào top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.

Đó là những điều có thể ảnh hưởng tới cộng đồng, thể diện quốc gia. MXH còn có thể đem phiền toái tới cá nhân hay một gia đình. Chỉ vì không đồng ý khi vợ chỉ ra thói xấu của “bạn phây” một cách thuyết phục, người chồng hủy kết bạn với vợ mình trên mạng để giữ mối liên hệ với “bạn ảo”. Người quen gửi cho bạn bài viết của một “soái ca trên mạng”, khuyên đủ thứ để rồi một thời gian sau “soái ca” bị bắt vì vi phạm pháp luật. Một chị “nghiện phây”, cả tin đến mức mua đủ loại thực phẩm chức năng vừa đắt vừa không đủ độ tin cậy qua Facebook về cho cả nhà “bồi bổ”. Một “nghệ sĩ” qua mạng rủa xả ai đó khiến bạn tin người đó “xấu ơi là xấu” dù không chạm mặt bao giờ... Hãy thử nhìn lại, đổi từ “chồng” thành “vợ”, “chị” thành “ông”, “bà”, “cô”, “chú”, “nghệ sĩ” thành “người nổi tiếng” xem ta có thấy tình huống đó “quen quen”?

Những gì đang diễn ra gợi ý về một điều ước - sự cần có giải pháp quản lý tiếp theo, một cách tiếp cận tỉnh táo hơn từ phía người dùng MXH ngay cả khi nhiều người còn chưa thoát khỏi cơn mê đắm với cuộc sống ảo.

Trên không gian mạng xã hội luôn song song tồn tại cả những điều tốt đẹp lẫn những lời thị phi, tin giả, có cả lối ứng xử mang tính bắt nạt, lừa đảo, vu khống được ẩn dưới vỏ ngôn ngữ, hình ảnh hoa mỹ...

Tốt nhất là “tự quản”

Vẫn còn ám ảnh với câu chuyện về đoàn y tế tình nguyện Hải Dương diễn ra vào đầu tháng 7 này, câu hỏi bật ra là cách ứng xử liên quan nói trên liệu có đáng để nhiều người tán đồng đến thế?

Hai ngày sau “điều tiếng” nói trên, trong bài báo có tựa đề “Ngày mai sẽ khác...” đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng, tác giả Thanh Dương viết: “Nhiều bình luận mang tính cực đoan chia rẽ, bài viết gây mất đoàn kết, lẽ ra không được phép và không nên xuất hiện trong bất kỳ thời điểm nào chứ chưa nói đang ở thời điểm thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đang gồng mình chống dịch như hiện nay...”. Còn trên MXH Facebook, một người dùng đơn giản nói rằng chị cảm thấy sốc khi người ta lấy thái độ sai trái của một vài người làm cớ kích động thù hận vùng miền. Ai không máu đỏ da vàng cơ chứ?

Rõ ràng là tầm nhìn, đạo đức, nhận thức quyết định bạn có tránh xa “vũng bùn” để tận hưởng tiện ích và niềm vui xứng đáng khi tham gia MXH hay không. Nhưng, ai sẽ giúp bạn tránh được điều cần tránh khi MXH là của chung và không phải ai cũng luôn kết nối được với bạn tốt trên MXH? Ai sẽ giúp bạn trong “cơn say”?

Ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, áp dụng cho các nhóm đối tượng: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; Nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Cùng với những văn bản pháp quy mà quan trọng nhất là Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH nhằm giúp người dùng MXH, nhà cung cấp dịch vụ nâng cao nhận thức, trách nhiệm để có hành vi, cách ứng xử đúng đắn cũng như xử lý thích đáng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức tại Việt Nam. Đó là động thái cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước, không khác với cung cách ứng xử với MXH của nhiều quốc gia khác khi đề ra “hành lang giao thông” để mỗi người tham gia MXH không bị lạc lối, tránh xa vô số cạm bẫy trực chờ.

Tuy thế, trước khi nhờ tới sự trợ giúp pháp lý, người dùng MXH có thể và cần phải tự bảo vệ mình.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới hết năm 2020, cả nước có khoảng 72 triệu người sử dụng MXH. Sẽ không thể tính chính xác mỗi người mỗi ngày dành ra bao nhiêu thời gian cho việc sử dụng MXH, nhưng dựa vào những gì diễn ra quanh mình, trong công sở hay ở nơi công cộng, có thể thấy chúng ta tiêu tốn nhiều thời gian cho MXH. Sự “nở rộ” đó làm tăng sức ảnh hưởng của MXH, khiến thông điệp từ đó có sức lan tỏa lớn hơn, những “ổ gà trên mạng” khó tránh nếu bạn không tìm được “hành lang giao thông”. Hành lang đó là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) nhận xét: “Người sử dụng mạng xã hội phải tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; chịu trách nhiệm về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật”.

MXH có bao nhiêu người tham gia thì gần như có từng đó cách tiếp cận và cách hiểu cụ thể về văn hóa ứng xử trên không gian mạng - nông hoặc sâu, thấu triệt hay qua loa đại khái. Quyền tự do ngôn luận, giới hạn về mặt pháp lý, ngợi khen hay chê bai, cái tôi và sự bình đẳng trên không gian mạng giữa người với người... Bao nhiêu thứ lẫn vào nhau, với người này là điều cần hiểu, cần tôn trọng nhưng với người khác có thể là không. Nhưng dù hiểu thế nào thì cũng cần thống nhất rằng sự đồng thuận được tạo dựng dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp, thói quen ứng xử văn minh, tôn trọng mình và tôn trọng người khác với đầy đủ quyền riêng tư của họ. Đó là cơ sở để mỗi tài khoản MXH “tự quản”, tránh sa vào “ổ gà” cũng như không hùa theo số đông vu cáo người không quen biết hay “ném đá” mỗi khi ai đó “cả gan” nói trái ý mình.

Đó có lẽ là điều ước của cả cơ quan quản lý xã hội và người dùng MXH văn minh.

PGS.TS Hà Huy Phượng - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ là một nội dung giảng dạy báo chí - truyền thông

Tôi cho rằng Bộ Quy tắc này không chỉ có ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động truyền thông mà còn ý nghĩa trong cả môi trường đào tạo nói chung, trong đó có đào tạo báo chí - truyền thông.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường Đảng, đồng thời là một trường đại học được xây dựng trở thành trường trọng điểm quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân. Với chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí - truyền thông và một số ngành khoa học xã hội nhân văn khác, Bộ Quy tắc này càng có ý nghĩa quan trọng với nhà trường.

Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất lồng ghép Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào trong các buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng và trong các bài giảng về văn hóa, báo chí - truyền thông để sinh viên, học viên có thêm những kiến thức mới về quy tắc giao tiếp, ứng xử nói chung, trên mạng xã hội nói riêng. Chúng tôi cũng sẽ coi Bộ Quy tắc là một trong những nội dung chính trong giảng dạy và học tập môn học về đạo đức và luật pháp báo chí - truyền thông.

(Ngô Lộc ghi)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều ước trong ''cơn say''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.