(HNM) - Hiện mới có 15% trong tổng số 148 trường (nằm trong dự kiến) được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Đó là những vấn đề được tập trung bàn thảo tại hội nghị trực tuyến kiểm điểm tiến độ xây dựng trường chuẩn năm 2013 - do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 3-10.
Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đạt chuẩn quốc gia năm 2011. Ảnh: Mai Chi |
Rõ sự chênh lệch giữa các địa phương
Nhằm đạt mục tiêu có 50 - 55% số trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 như Nghị quyết HĐND thành phố đề ra, năm 2013, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 148 trường đạt chuẩn. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến ngày 30-9, mới có 22 trường được công nhận đạt chuẩn (đạt 15% so với số dự kiến). Với số lượng trường đăng ký đạt chuẩn trong 3 tháng cuối năm nay là 123 trường, ước tính, để thẩm định xong thì bình quân mỗi ngày ban chỉ đạo phải thẩm định xong 2 trường. Đây là mối lo lớn đối với các cấp quản lý khi phải xoay xở xây dựng trường chuẩn theo kế hoạch đề ra trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Từ số liệu thống kê về trường đạt chuẩn của Hà Nội, thấy rõ sự chênh lệch về tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các địa bàn. Trong lúc có 8 quận, huyện đạt tỷ lệ xây dựng trường chuẩn ở mức xấp xỉ 60% trở lên và đang phấn đấu vượt 15%-20% so với chỉ tiêu thì nhiều nơi vẫn ì ạch. Điển hình là 4 huyện, gồm Phú Xuyên - đơn vị có tỷ lệ thấp nhất với 14,4%, Ba Vì - 16,8%, Ứng Hòa - 25,6%, Mỹ Đức - 26,3%. Quận Hai Bà Trưng thuộc số địa phương có tỷ lệ rất thấp - 23%.
Trong khi đó, Từ Liêm có gần 60% số trường đã được công nhận đạt chuẩn và là một trong những đơn vị đăng ký số lượng trường đạt chuẩn năm 2013 nhiều nhất - 10 trường. Lãnh đạo huyện Từ Liêm cho rằng, giải pháp trọng tâm và thiết thực nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn là phải đưa nội dung này vào kế hoạch 5 năm. Lý do là bởi việc xây dựng trường chuẩn cần phải có lộ trình để đồng thời chuẩn bị kỹ càng nhiều phần việc, từ hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đến nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên…
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Yên Thường (huyện Gia Lâm), trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Có thể tăng tốc?
Hà Nội hiện có 905 trường mầm non và cấp học này có quy mô lớn nhất thành phố song lại có tỷ lệ trường đạt chuẩn ở mức gần thấp nhất trong số các cấp học - với 18,3%. Hiện mới chỉ có 5 trong tổng số 52 trường nằm trong kế hoạch của năm 2013 được công nhận đạt chuẩn. Việc quan tâm, đầu tư chưa tương xứng giữa các cấp học về mọi mặt nói chung và trong việc xây dựng trường chuẩn nói riêng là nguyên nhân khiến cho cấp học mầm non bị "bỏ quên" trong một khoảng thời gian khá dài. Việc gom điểm trường lẻ luôn là vấn đề "nóng" được lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu tập trung giải quyết trong năm nay, mục tiêu là không để tồn tại tình trạng mỗi trường có tới 7-8 điểm lẻ, mức tối đa chỉ có thể là 3 điểm lẻ/trường… Trong khi đó, bậc tiểu học là cấp học có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất: 51,2%, song tỷ lệ đó chưa đem lại sự hài lòng. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT), sau quá trình thẩm định thực tế, có thể khẳng định rằng nếu giải quyết tốt một số vấn đề thì tiến độ xây dựng trường chuẩn của bậc học này chắc chắn sẽ được cải thiện.
Tiến độ xây dựng trường chuẩn trên địa bàn Hà Nội đang cho thấy một số vấn đề tồn tại, chẳng hạn như việc đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị cần phải được thực hiện bài bản và đồng bộ hơn. Trong thực tế, ở nhiều nơi, công trình vừa được bàn giao cho nhà trường lại phải cải tạo hoặc bổ sung một số hạng mục do không đạt yêu cầu. Có nơi công trình hoàn thiện rồi mới biết là thiếu phòng học, thừa phòng chức năng, sân vườn bị bê tông hóa toàn bộ, không có cầu nối giữa các khối nhà, thiếu bếp ăn đạt chuẩn. Lại có nơi xây nhà ăn, nhà vệ sinh chung cho trường mầm non thay vì thiết kế ngay tại nơi trẻ tiếp nhận các hoạt động giáo dục; nơi đã có sân chơi, bãi tập rộng rãi rồi mà còn "nhấp nhổm" chờ xây nhà tập đa năng dù theo quy định thì không nhất thiết phải làm điều đó. Bởi thực tế khảo sát tại các trường cho thấy, để xây dựng một nhà tập đa năng phải đầu tư 5-7 tỷ đồng nhưng sau đó lại không khai thác triệt để công năng; trong khi đó, đầu tư cho một sân tập có mái che chỉ tốn khoảng 500 triệu đồng.
Thiếu quỹ đất và kinh phí hạn hẹp là hai nguyên nhân chính, cũng là "điệp khúc" của các quận, huyện khi đề cập đến khó khăn trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn. Ngoài ra, cũng còn những lý do mang tính đặc thù, chẳng hạn như ở Tây Hồ, Thanh Trì, Hoàn Kiếm là 3 địa phương có một số trường học nằm ngoài bãi sông, đã xuống cấp mà không thể cải tạo hoặc xây mới do vướng Luật Đê điều…
Mỗi nơi một sự khó riêng, tất cả dồn lại, không chỉ khiến cho tiến độ xây dựng trường chuẩn tại địa phương chậm lại, mà còn ảnh hưởng đến lộ trình chung của toàn thành phố. Giải pháp tháo gỡ khó khăn là gì? Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Bước đầu, các trường ở khu vực nội thành có thể nâng tầng để tăng diện tích sử dụng bởi tiêu chí 6m2/HS tính theo diện tích sử dụng chứ không phải theo diện tích sàn. Với 5 quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất thành phố, như đã nói ở trên và 3 quận, huyện có trường học ngoài bãi sông, ngành GD-ĐT sẽ sớm đề xuất với thành phố để có giải pháp tháo gỡ thiết thực, kịp thời, giúp các đơn vị tăng tốc ở chặng cuối của lộ trình.
- Tính đến ngày 30-9-2013, Hà Nội có 790 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 32,9%). - Mức đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ nay tới cuối năm: Tháng 10 - 49 trường; tháng 11 - 46 trường; tháng 12 - 30 trường. - Năm 2014, Hà Nội phấn đấu xây dựng 138 trường chuẩn quốc gia, gồm 54 trường mầm non, 32 trường tiểu học, 45 trường THCS và 7 trường THPT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.