163 tỷ đồng là số tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) mà UBND quận Hoàn Kiếm sẽ hỗ trợ cho các hộ dân tại 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo khi thực hiện dự án công lập xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Với mong muốn xử lý dứt điểm một dự án chuyển tiếp, kéo dài hơn 30 năm, nhiều lần thay đổi chủ trương đầu tư để xây dựng trường học phục vụ cộng đồng, UBND quận Hoàn Kiếm đã chủ động đề xuất UBND thành phố cho phép áp dụng phương án đền bù linh hoạt, có lợi nhất với các hộ dân thuộc diện phải di dời.
Từng bước tháo gỡ vướng mắc
Dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo là một dự án chuyển tiếp, kéo dài hơn 30 năm, với nhiều lần thay đổi chủ trương dự án đầu tư: Từ xây dựng trụ sở làm việc cho Kho bạc (Kho bạc Nhà nước Trung ương, Kho bạc Nhà nước Hà Nội) đến xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm. Việc thay đổi này đã khiến cho các hộ dân phát sinh tâm lý hoài nghi về mục tiêu đầu tư tại khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB.
Tại buổi đối thoại với các hộ dân tại 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo diễn ra chiều 27-3, đại diện Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp ghi nhận, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất tại dự án.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, Dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được Quận ủy - HĐND - UBND quận Hoàn Kiếm xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố nói chung trong giai đoạn 2021-2025. Song hành với việc triển khai dự án, quận Hoàn Kiếm cũng thống nhất chủ trương phải bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân theo đúngquy định pháp luật.
Ông Trịnh Hoàng Tùng khẳng định, việc thu hồi đất, GPMB tại địa điểm 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo nhằm mục đích xây dựng trường công lập Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm. Đây là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai 2013.
Hiện nay, dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại khu đất 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo đã được HĐND quận phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 223/NQ-HĐND ngày 25/11/2021; được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3001/QĐ-UBND ngày 19/8/2022, với tổng mức đầu tư 387.518.804.000 đồng bằng nguồn ngân sách quận Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2026.
Quá trình thực hiện, dự án đã được các cơ quan đơn vị chức năng như: Phòng cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Quy hoạch kiến trúc… cho ý kiến và chấp thuận về thiết kế cơ sở, phương án kiến trúc, tổng mặt bằng của dự án. Hiện, dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại khu đất 36A Trần Hưng Đạo đang trong giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Sau khi hoàn thiện, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sẽ có thiết kế 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng tum với chiều cao đến tầng 5 là 18,3m và đến tầng tum là 22,9m, mật độ xây dựng là 60%, các phần diện tích còn lại là không gian cảnh quan của trường.
Dự kiến tháng 6-2024, quận Hoàn Kiếm sẽ khởi công phá dỡ công trình cũ ngay sau khi nhận được mặt bằng bàn giao của các hộ dân. Tháng 8-2024 sẽ hoàn thành công tác tổ chức đấu thầu xây dựng công trình và triển khai việc thi công xây dựng.
Đề xuất tăng thêm 125 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ
Tại buổi đối thoại với các hộ dân thuộc diện phải di dời, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cũng cho biết, theo phương án đền bù đã được UBND quận Hoàn Kiếm ban hành vào tháng 12-2023, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho 15 hộ dân đã được phê duyệt sau khi khấu trừ nghĩa vụ tài chính là: 37.688.247.000 đồng.
Tuy nhiên, để bảo đảm điều kiện ổn định cuộc sống cho người dân khi phải di chuyển, GPMB, UBND quận Hoàn Kiếm đã báo cáo, đề xuất các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư có tính chất tương đồng đã triển khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tại các dự án trọng điểm của Thành phố, như: Dự án GPMB xây dựng ga ngầm S12 thuộc Dự án Tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu và đã được UBND thành phố chấp thuận.
Sau khi lắng nghe toàn bộ những băn khoăn, vướng mắc của những hộ dân thuộc diện phải thu hồi nhà phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thay mặt Thường trực Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long ghi nhận và chia sẻ với những tâm tư của các hộ dân thuộc diện phải di dời chỗ ở để phục vụ dự án đầu tư công, vì mục đích cộng đồng.
Theo ông Phạm Tuấn Long, hiện nay, trên địa bàn hai phường Hàng Bài và Phan Chu Trinh, hai trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Lý Tự Trọng phải hoạt động trong hoàn cảnh trường học lẫn với nơi thờ tự và nhà dân, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường học tập của con em trên địa bàn hai phường. Khẳng định dự án xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn, Quận ủy - HĐND - UBND quận Hoàn Kiếm xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cả hệ thống chính trị sẽ cùng tham gia và sẽ triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng khẳng định, trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tập trung triển khai công tác GPMB thực hiện dự án. Theo đó, sẽ thực hiện các biện pháp hành chính đối với những hộ cố tình không chấp hành các quyết định của Nhà nước nhằm tạo sự công bằng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Xuyên suốt quá trình thực hiện Dự án, UBND quận Hoàn Kiếm luôn sẵn sàng đồng hành, đối thoại với các hộ dân để công tác GPMB sớm hoàn thành theo đúng tiến độ và quy định của pháp luật. UBND quận Hoàn Kiếm mong muốn các hộ dân sẽ ủng hộ chủ trương, chấp hành các chính sách của Nhà nước, sớm nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để bảo đảm tiến độ dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.