(HNM) - Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam - Cánh diều 2018 vừa khép lại đêm 12-4, cũng là khi giới hoạt động điện ảnh và người yêu nghệ thuật thứ bảy đánh giá được phần nào sự phát triển của lĩnh vực này trong năm qua, đồng thời hình dung chặng đường sắp tới.
Phim “Chàng vợ của em” dung hòa được hai yếu tố chất lượng và sức hút với khán giả. |
Mang “hơi thở” Việt Nam
Mùa giải Cánh diều 2018 có 144 tác phẩm tham dự, trong đó có 14 phim truyện, 13 phim truyền hình, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 26 phim ngắn và 2 công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh. Con số này vượt trội hơn so với năm trước (55 tác phẩm).
Ở giải Cánh diều, thể loại phim truyện luôn được chú ý hơn cả và chuyển động của thể loại này cũng là tiêu chí đánh giá điện ảnh Việt đang ở đâu. Theo Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, tiêu chí chấm giải năm nay tiếp tục đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Có lẽ vì vậy, trong số gần 40 phim truyện sản xuất, ra rạp năm 2018 và đầu năm 2019, chỉ có 14 phim các nhà sản xuất cảm thấy phù hợp dự giải. Đặc biệt, năm nay có phim do Nhà nước sản xuất hoặc phim có sự đầu tư của Nhà nước là “Nơi ta không thuộc về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền, Điện ảnh Quân đội nhân dân), “Thạch thảo” (đạo diễn Mai Thế Hiệp, Nhà nước tài trợ 70% kinh phí). Những phim này thường bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, nhân văn, tác động tích cực đến người xem. 12 phim còn lại đều do tư nhân sản xuất, thuộc thể loại tâm lý, kinh dị, hài.
Nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim, Trưởng ban Giám khảo phim truyện điện ảnh đánh giá, các phim có nội dung phong phú, phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống, có khởi sắc trong việc xử lý nghệ thuật, cập nhật công nghệ để tạo nên những thước phim đẹp, đáp ứng nhu cầu khán giả. Trong đó, “Song lang” và “Người bất tử” nổi bật hơn về nhiều khía cạnh, trừ doanh thu. “Song lang” nhận được sự trân trọng của giới làm nghề bởi dũng cảm đi vào khai thác khía cạnh văn hóa truyền thống (nghệ thuật cải lương) giữa dòng chảy phim thị trường, bên cạnh đó là những cảnh quay rất nghệ thuật, diễn xuất, đàn ca đều được chăm chút. “Người bất tử” là một sự làm mới mình của đạo diễn Victor Vũ, về đề tài mang tính triết lý nhân sinh, với lời nhắc nhở mỗi người hướng tới chân, thiện, mỹ. Nhưng phim “Chàng vợ của em” mới dung hòa được 2 yếu tố chất lượng và sức hút với khán giả theo tiêu chí của giải.
Ở hạng mục phim truyền hình, tuy có “Quỳnh búp bê”, “Bên kia sông”, “Gạo nếp, gạo tẻ”, “Ngày ấy mình đã yêu”, “Cả một đời ân oán”… tham gia, nhưng chưa tụ đủ các phim “đình đám” trong năm, chẳng hạn như “Hậu duệ mặt trời”, “Phận làm dâu”, “Yêu thì ghét thôi”. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, giám khảo phim truyền hình nhận định, các phim trong năm qua có ưu điểm là mang được “hơi thở” đời sống Việt Nam hiện nay.
Phim tài liệu, khoa học hầu hết được chiếu trên sóng truyền hình, trong đó có những phim mang tính thời sự, tác động tốt đến khán giả như “Hãy nhớ bạn đang sống”, “Chuyện từ hạt muối”, “Cây trồng biến đổi gen”, “Trầm cảm sau sinh”…
Băn khoăn nghệ thuật - thị trường
“Song lang” được giới hoạt động điện ảnh hết lời ngợi khen về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật thể hiện, bản sắc dân tộc và ý nghĩa nhân văn, thậm chí Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh còn cho rằng đây là điểm sáng của điện ảnh Việt trong năm 2018. Có thể vì phim đề cập đến vấn đề đòi hỏi người xem phải suy tư nhiều, trong khi phần đa khán giả muốn đến rạp để giải trí, nên phim rất vắng khách. Còn nhớ, vì tiếc cho bộ phim này, nhiều người làm điện ảnh uy tín đã đăng đàn kêu gọi khán giả đến rạp, những mong “Song lang” ở lại. Phim “Người bất tử” cũng ở tình trạng tương tự.
Trong khi đó, các phim ăn khách như “Trạng Quỳnh”, “Tháng năm rực rỡ”, “Cua lại vợ bầu”, thậm chí doanh thu trên 100 tỷ đồng như “Siêu sao siêu ngố”… lại chưa được giới chuyên môn đánh giá cao. Các phim này thu hút khán giả phần nhiều ở tiếng tăm diễn viên như Trấn Thành, Trường Giang, Thái Hòa…
Ở các thể loại khác, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Minh Trí, Trưởng ban Giám khảo phim hoạt hình nhận định, phim hoạt hình của Việt Nam vẫn nằm ngoài dòng chảy xã hội hóa điện ảnh và việc chiếu rạp là câu chuyện xa vời. Trong khi đó, phim hoạt hình của Mỹ, Nhật Bản... vẫn thường xuyên trụ tại hệ thống rạp của nước ta. Nếu những năm trước vẫn có phim tài liệu chiếu rạp thì năm 2018 lại vắng lặng. Tình trạng này cũng đáng để các nhà làm phim suy nghĩ và tìm hướng đi trong thời gian tới.
Theo thống kê, năm qua có hơn 200 phim nước ngoài được nhập khẩu và chiếu tại Việt Nam. Cũng vì thế theo Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, trình độ thưởng thức của khán giả ngày một nâng cao. Đây là yếu tố thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phải năng động, chất lượng và đổi mới hơn.
Giải Cánh diều vàng được trao cho “Chàng vợ của em” (phim truyện điện ảnh); “Bên kia sông”, “Quỳnh búp bê” (phim truyền hình), “Hãy nhớ bạn đang sống”, “Trầm cảm sau sinh” (phim tài liệu, khoa học). Đạo diễn phim truyện xuất sắc nhất là Charlie Nguyễn; nam, nữ diễn viên phim truyện xuất sắc là Liên Bỉnh Phát và Hoàng Yến Chibi... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.