(HNM) - Chiều 7-4, đang đứng đợi xe buýt tại trạm trung chuyển Cầu Giấy, tôi thấy một sinh viên nữ mặt tái mét, khóc lóc khi biết mình vừa bị bọn lưu manh móc mất chiếc điện thoại di động trị giá hơn 2 triệu đồng để ở ngăn ngoài của chiếc túi xách.
Cô nói trong nước mắt: Em vừa đứng đợi xe buýt tuyến số 32 ở đây và trong lúc lên xe em đã bị móc mất điện thoại mà không hay biết. Khi lên xe đi được 2 điểm dừng, em mới phát hiện ra và xuống xe quay lại với mong muốn chuộc lại cái sim vì có nhiều số điện thoại quan trọng…
Đã từ lâu, điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy, Long Biên cũng như một số đầu điểm đỗ của các tuyến xe buýt đông đúc luôn là nơi mà bọn trộm cắp hành nghề. Riêng tại trạm xe buýt Cầu Giấy, hầu như lúc nào cũng thường trực hàng chục tên. Chúng chủ yếu là những tên mới lớn không nghề nghiệp, dạt từ các tỉnh về. Không ít tên là các đối tượng lưu manh từng vào tù ra tội như cơm bữa. Chúng câu kết với nhau để móc túi chôm đồ của hành khách đi xe buýt. Theo như tôi biết thì đã có quá nhiều bài báo, các phương tiện truyền thông phản ánh về thực trạng này, nhưng dường như sự biến chuyển mà các cơ quan chức năng làm được trong việc trấn an, dẹp bỏ chẳng khác nào "ném đá ao bèo", hay "bắt cóc bỏ đĩa". Ví dụ, ngay tại trạm trung chuyển Cầu Giấy, cứ sau khi các bài báo phản ánh về tình trạng móc túi thì công an phường, quận lại ra quân ồ ạt được dăm, bảy hôm rồi sau đó bị lãng quên và lưu manh lại tề tựu đông đúc như cũ. Thậm chí có những tên lưu manh bị bắt, rồi lại được tha và lại tiếp tục hành nghề!
Liệu có thể dẹp bỏ được tình trạng móc túi ở những trạm xe buýt? Đó là câu hỏi không chỉ của riêng những hành khách hằng ngày đi xe buýt, mà là của nhân dân và các cơ quan, ban, ngành quan tâm tới vấn đề này. Hy vọng là các cơ quan chức năng vạch ra một kế hoạch, biện pháp lâu dài để trấn áp, dẹp bỏ hoàn toàn bọn lưu manh chuyên sống bằng nghề móc túi, trộm cắp tài sản của hành khách đi xe buýt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.