Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đem lại niềm tin

Hà Anh| 27/09/2013 05:52

(HNM) - Hơn 20 năm qua, cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước và đổi mới giáo dục - đào tạo, mô hình các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) đã ra đời và không ngừng phát triển, hiện cả nước có 83 trường NCL, tăng 61 trường so với năm 1999.



Hệ thống trường NCL đã giảm tải cho giáo dục ĐH công, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế (ước tính khoảng 50-60 nghìn tỷ đồng nộp ngân sách trong hơn 20 năm qua, trong khi không sử dụng kinh phí của Nhà nước!). Với hàng chục vạn SV ra trường mỗi năm, các trường NCL đã góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Sự hình thành và phát triển của các trường NCL đã tạo động lực cạnh tranh giữa mô hình trường ĐH công với trường NCL, giữa các trường ĐH với nhau nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo. Đặc biệt, nhờ có chiến lược phát triển dài hạn, năng động, đầu tư chiều sâu nên không ít trường NCL đã trở thành cơ sở giáo dục uy tín và có chất lượng… Đó thực sự là những thành tựu ấn tượng, khẳng định sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước ta.

Tuy nhiên, lâu nay dư luận cũng thường "kêu" nhiều về trường NCL, chẳng hạn như thu học phí cao trong khi chất lượng đào tạo không tương xứng... Nhận định này không phải không có cơ sở. Tình trạng trường NCL không bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh khá phổ biến (không ít trường chỉ tuyển được trên dưới 100 SV). Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, thậm chí có trường 15-16 năm nay vẫn phải thuê địa điểm. Chuyện thỉnh giảng, "xà xẻo" giờ dạy, "cơm chấm cơm" (giảng viên tốt nghiệp đại học dạy đại học) cũng không phải là cá biệt. Không ít chủ sở hữu trường NCL đặt mục tiêu kinh doanh lên trên mục tiêu giáo dục - đào tạo. Và cũng chính bởi tư duy ấy, cách làm thiếu chuyên nghiệp ấy đã khiến một số trường NCL phát sinh mâu thuẫn, "đấu đá" nội bộ kéo dài, đến nỗi cơ quan quản lý phải "tuýt còi"… Tất cả những mặt "chưa được" đó đã tạo nên cái nhìn đầy quan ngại của cộng đồng xã hội về mô hình trường NCL.

Bên cạnh lý do chủ quan thì sự yếu kém, bất cập của mô hình trường NCL còn xuất phát từ những nguyên nhân khách quan. Do thiếu tầm nhìn, quản lý yếu kém nên ở nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng đầu tư xây dựng trường NCL theo kiểu "làm lấy được". Đáng chú ý là mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương đúng, chính sách hay để phát triển mô hình xã hội hóa giáo dục này, nhưng không chỉ một bộ phận trong xã hội có tâm lý xem thường, coi trường NCL là "chiếu dưới", mà ngay cả nhiều cơ quan quản lý, nhiều cá nhân có trách nhiệm cũng có thái độ kỳ thị, đối xử phân biệt đối với trường NCL. Đơn cử như do vướng rào cản từ cơ chế, thủ tục mà số trường NCL được hưởng lợi từ chủ trương giao "đất sạch" (của Nhà nước) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một ví dụ nữa là việc các trường NCL "được" cơ quan quản lý xem như là đơn vị kinh doanh (chứ không phải cơ sở giáo dục đào tạo, có trách nhiệm chung tay vào sự nghiệp "trồng người" cùng với hệ thống giáo dục công lập), đã dẫn tới hậu quả là hàng chục năm ròng các trường NCL phải ngậm ngùi nộp khoản thuế 25% (trong khi chỉ đạo của Chính phủ là trường NCL được miễn, giảm thuế DN)! Sự thiếu công bằng, bất hợp lý còn thể hiện ở chỗ SV trường NCL phải đóng học phí 100%, trong khi SV trường công lập được Nhà nước hỗ trợ khoảng 70%...

Rõ ràng là để giải quyết được vướng mắc, khó khăn, qua đó phát triển hệ thống các trường NCL thì bên cạnh nỗ lực tự thân của các trường NCL, Nhà nước cần quan tâm tháo gỡ những bất cập về mặt cơ chế, chính sách, qua đó tạo ra một sân chơi bình đẳng trong toàn bộ hệ thống giáo dục, đồng thời đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở NCL, nhất là xử lý nghiêm các đơn vị yếu kém, mang nặng tư duy "ăn xổi ở thì".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đem lại niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.