Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất xin ý kiến nhân dân về kỳ thi hai trong một

Hà Phong| 08/08/2018 19:47

(HNMO) - Ngày 8-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 26.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiến hành phiên họp thứ 26 để cho ý kiến về 8 dự án luật, trong đó có các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm gồm: Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Chăn nuôi; dự án Luật Trồng trọt; dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và một dự án luật trình Quốc hội lần đầu là dự án Luật Kiến trúc.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 theo Tờ trình của Bộ Tài chính; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho Chương trình 135.

Ủy ban TVQH cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016"; đồng thời tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nội dung này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp). Dự kiến, phiên họp kéo dài đến ngày 13-8.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban TVQH thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Thông tin đáng chú ý là nhiều ý kiến nhất trí quy định về ba thời điểm đặc xá do ban soạn thảo đề xuất gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.

Đối tượng được xét đề nghị đặc xá gồm: Người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù; người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống hình phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù; người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban TVQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị, để bảo đảm đặc xá được công khai, minh bạch nên thành lập hội đồng tư vấn đặc xá gồm các thành phần đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, MTTQ. Đồng thời, Bộ Công an nên cân nhắc bổ sung thêm thành phần hội đồng xét đặc xá là đại diện cơ quan dân cử, ví dụ sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội.

Cũng trong ngày 8-8, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) hướng vào các nhóm chính sách gồm: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT; đổi mới thời gian đào tạo trình độ đại học đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục đại học và hội nhập quốc tế.

Đa số các ủy viên Ủy ban TVQH tán thành với tờ trình của Chính phủ nhưng đề nghị cân nhắc kỹ việc xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào đại học.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết đã nhận được phản ánh của nhiều cử tri và chuyên gia cho rằng, việc giao cho địa phương tổ chức kỳ thi "hai trong một" đã xảy ra nhiều vụ việc phức tạp. Có ý kiến cho rằng, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tới 98% nghĩa là với 1 triệu thí sinh chỉ lọc ra khoảng 200 em trượt (2%) thì tổ chức cả một kỳ thi vừa tốn kém, vừa tạo ra tâm lý căng thẳng cho phụ huynh, học sinh và cả cán bộ ngành giáo dục là không cần thiết. Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, nếu vẫn giữ kỳ thi "hai trong một" thì khâu tổ chức thi, cơ sở hạ tầng, ngân hàng đề thi... đều phải rà soát lại.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và một số đại biểu cho rằng, thi THPT là vấn đề liên quan đến toàn dân, tác động lớn đến xã hội đề nghị nên lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, để quyết định cuối cùng thể hiện được ý chí chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất xin ý kiến nhân dân về kỳ thi hai trong một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.