Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thị trường lao động Hà Nội dần khởi sắc

Minh Bắc| 12/11/2013 15:50

(HNMO) - Thị trường lao động Hà Nội vẫn khó khăn với những nghịch lý cung-cầu được thể hiện phần nào qua phiên giao dịch việc làm đầu tháng 11 vừa qua. Hy vọng thị trường lao động Hà Nội sẽ khởi sắc hơn vào những ngày sắp tới khi mà các chính sách kinh tế của nhà nước bắt đầu phát huy hiệu quả!

Ngành may mặc luôn thu hút nhiều lao động. Ảnh: Minh Bắc


Khác với những năm trước đây, phiên giao dịch việc làm vừa tổ chức vào đầu tháng 11 mới đây tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội khá hiu quạnh. Được biết, phiên giao dịch này có khoảng 52 đơn vị tham gia với 660 chỉ tiêu tuyển dụng. Nếu so với tháng 10/2013, thì con số thống kê này có vẻ tăng hơn nhưng so với dịp này những năm trước thì giảm khoảng 30%. Nhìn phiên chợ vừa thiếu người “mua” vừa ít kẻ “bán”, phần nào phản ánh bức tranh thị trường lao động Hà Nội dịp cuối năm khi nền kinh tế còn đầy khó khăn. Đa phần các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch chỉ đăng ký tuyển từ 2-6 lao động. Riêng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn đăng ký tuyển dụng đến vài chục lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp lần này chủ yếu tập trung vào trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật, còn bậc cao hơn như cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 33%. Ngược lại, phía cung lao động cũng khá thưa thớt, tại một số phòng phỏng vấn rất ít người lao động ngồi chờ được phỏng vấn.

Còn kết quả tìm việc làm qua các mạng internet thì khả quan hơn. Thông số nhân lực trực tuyến quý 3 năm 2013 do VietnamWorks cung cấp cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến tại các thành phố lớn gia tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2012. Cụ thể, nhu cầu lao động trực tuyến tăng 15% trong quý 3, biểu thị sự tăng trưởng vững vàng và ổn định của 6 tháng liên tục trong năm 2013 và cho thấy hoạt động tuyển dụng trực tuyến diễn ra rất mạnh so với cùng kỳ năm 2012. Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì là thành phố dễ tìm việc hơn so với thành phố Hồ Chí Minh, do có ít ứng viên hơn cùng dự tuyển vào một vị trí. Mức độ tăng trưởng về nhu cầu ở ngành nghề dịch vụ khách hàng đăng tuyển nhiều nhất (tăng 38% trong quý này). Nghề bán hàng và IT-phần mềm cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với tỷ lệ tương ứng là 33% và 19%. Trong khi đó, nhu cầu lao động ngành du lịch, nhân sự và phi lợi nhuận sụt giảm đáng kể trong quý 3, lần lượt là 25%, 14% và 11%.

Thực ra tình trạng thị trường lao động như trên đã được nhiều chuyên gia dự báo trước, đó là mức cung-cầu lao động trong một số ngành nghề có xu hướng chậm lại, cung-cầu bất cân xứng. Điều đó được lý giải do nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2013 đến nay vẫn đầy khó khăn, thách thức, phục hồi chậm so với mục tiêu đề ra. Chính phủ cũng đã thừa nhận lạm phát còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với dự toán năm. Thị trường và sức mua tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn yếu.

Để giải quyết những vấn đề kinh tế đó, Chính phủ đã, đang thực hiện nhiều chính sách mới như: gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia bắt đầu hoạt động, chính sách giải tỏa hàng tồn kho, nợ xấu… và tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực... Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt; đơn giản hóa thủ tục hành chính; huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cam kết về đối ứng vốn ODA... Tất nhiên, những chính sách đó chưa thể tác động tức thì ngay vào cuộc sống mà nó sẽ từng bước giúp cho doanh nghiệp có vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Có thể nói, ảnh hưởng của vấn đề suy thoái kinh tế đã gây nên những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách kinh tế của Chính phủ, cộng thêm những yếu kém trong quản lý nguồn nhân lực, đào tạo nghề của một số doanh nghiệp nhà nước... đã góp phần tạo nên nghịch lý cung-cầu trong thị trường lao động lâu nay. Đây là vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai…

Có nhiều cơ sở để hy vọng thị trường lao động Hà Nội sẽ khởi sắc hơn từ nay đến đầu năm 2014 (dịp tết âm lịch), đó là những chính sách kinh tế mới bắt đầu có những tác động tích cực vào cuộc sống. Hơn nữa, cuối năm nhu cầu tiêu dùng của thị trường cũng lớn hơn, cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung hoàn thành kế hoạch kinh doanh và tính toán phương án tiêu thụ hàng hóa, vì vậy nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp về nhóm ngành này sẽ tăng hơn. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện thêm nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng người lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho một số doanh nghiệp.

Để giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng kết nối với người lao động, ngoài hình thức tuyển dụng trực tuyến thì các hình thức tuyển dụng khác cũng cần thay đổi phương thức để làm sao gắn đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp, tổ chức thêm nhiều hình thức để người lao động có thể dễ dàng tiếp xúc với doanh nghiệp cần tuyển dụng. Tất cả mọi nỗ lực đó nhằm mục tiêu từ nay đến cuối năm, thị trường lao động trên địa bàn Thủ đô sẽ có nhiều chuyển biến tích cực…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để thị trường lao động Hà Nội dần khởi sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.