(HNM) - Xây dựng giai cấp nông dân Thủ đô thực sự tiêu biểu cho nông dân cả nước, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại… vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là mong muốn của lãnh đạo thành phố Hà Nội được đề cập tại Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, biểu dương “Chi hội nông dân nghề nghiệp tiêu biểu” do Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức ngày 11-10.
Từ thực tiễn lao động cũng như những vấn đề đặt ra với người nông dân, các cuộc cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được triển khai sâu rộng với nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp… mang lại hiệu quả tích cực.
Đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, đưa công nghệ, kỹ thuật mới vào đồng ruộng…, nông dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ không còn chịu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà hoàn toàn có thể tự hào là chủ nhân của một cường quốc nông nghiệp với nhiều sản phẩm có mặt trên thị trường quốc tế, đạt kim ngạch xuất khẩu cao.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, người nông dân vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như: Nông sản dư thừa, không đưa ra được thị trường nên điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn khiến người sản xuất “mất ăn, mất ngủ” mỗi khi vào vụ; biến đổi khí hậu khiến thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; xu hướng tiêu dùng cũng đặt ra nhiều vấn đề mới… Ngoài ra, nông dân Thủ đô còn phải đối mặt với thách thức từ mặt trái của tiến trình đô thị hóa với tốc độ “chóng mặt”, nhiều diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác; đất nông nghiệp mang lại giá trị thấp hơn so với chuyển đổi sang các ngành kinh tế khác…
Những năm vừa qua, trong việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới…, người nông dân được đặt vào vị trí trung tâm, thế nhưng theo giới chuyên gia, giới hạn của người nông dân trong khả năng tạo giá trị thặng dư từ đất vẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp. Do vậy, để nông dân Thủ đô thật sự tiêu biểu cho cả nước, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng thì vấn đề quan trọng nhất là nâng cao năng lực, đổi mới sáng tạo... cho nông dân, để họ xứng đáng với vai trò chủ thể của một nền nông nghiệp đô thị hiện đại.
Để làm được điều đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô, các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách mang tính động lực, thu hút các doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, lan tỏa tri thức, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ người nông dân tiếp cận các phương thức sản xuất, kinh doanh tiên tiến; trang bị cho người nông dân những kỹ năng mới và tư duy kinh tế để sản xuất theo nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm chất lượng cao...
Về phía người nông dân, để thật sự trở thành chủ thể của nông thôn mới, nông nghiệp hiện đại, cần có tâm thế tự chủ, có kiến thức và ý chí vươn lên mạnh mẽ; nâng cao năng lực liên kết để tạo thêm nguồn lực, động lực phát triển sản xuất - kinh doanh, hình thành các chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nói cách khác, trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người nông dân cần chủ động vượt qua chính mình với tầm nhìn mới.
Xây dựng giai cấp nông dân Thủ đô thực sự là tiêu biểu cho nông dân cả nước đòi hỏi mỗi người nông dân nỗ lực đổi mới sáng tạo, khẳng định được vai trò làm chủ của chính mình trong điều kiện mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.