Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thanh niên lập thân, lập nghiệp

Hương Ly| 25/08/2018 06:45

(HNM) - TP Hà Nội có gần 3 triệu thanh niên, chiếm 35% dân số. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), nhiều chủ trương, chính sách đã được thành phố ban hành, triển khai, tạo điều kiện để thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển toàn diện.

Một giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp

Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội là một trong các trường được thành phố đầu tư, thí điểm chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, những năm qua đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn sinh viên. Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường Phạm Xuân Khánh thông tin, trường được UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng năm 2010, với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Sau 8 năm hoạt động, từ quy mô tuyển sinh 820 sinh viên (năm 2010), đến nay trường có hơn 5.000 sinh viên và phấn đấu đến năm 2020 có 10.000 sinh viên. Đặc biệt, hơn 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm. Từ năm 2018, nhà trường đã ký cam kết với phụ huynh học sinh, bảo đảm 100% sinh viên có việc làm sau khi hoàn thành học tập và đào tạo tại trường.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 31-10-2008 nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 25-NQ/TƯ. Và đầu tư xây dựng các trường đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện cho thanh niên Thủ đô lập thân, lập nghiệp, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nội dung được Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, hằng năm, thành phố bố trí ngân sách và vốn từ các chương trình (bình quân 80 tỷ đồng) cho các dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề. Đặc biệt, thành phố đã đầu tư hơn 116 tỷ đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề để triển khai chương trình đào tạo thí điểm theo tiêu chuẩn quốc tế tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội… Qua đó, đã có hơn 1,6 triệu lao động được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố lên 60,7%, gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2008. Chưa kể, từ năm 2013 đến nay, Hà Nội bố trí 50 tỷ đồng/năm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn sự nghiệp của thành phố hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, lao động thuộc diện giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

"Cùng với hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân; bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ trẻ; hỗ trợ tổ chức Đoàn nâng cao chất lượng hoạt động cũng được chú trọng. Trong 10 năm, TP Hà Nội đã có 63.557 đoàn viên ưu tú được giới thiệu với Đảng, trong đó có 46.093 đoàn viên được xem xét kết nạp vào Đảng. Nghị quyết số 25-NQ/TƯ đã tạo những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt công tác thanh niên" - Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng (nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội) chia sẻ thêm.

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, thanh niên Hà Nội đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương đánh giá, một bộ phận thanh niên hiện vẫn còn bàng quan trước những vấn đề của Thủ đô và đất nước, sống thiếu lý tưởng, thiếu tu dưỡng, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, mắc vào các tệ nạn xã hội. “Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên còn cao. Sức khỏe và thể chất của thanh niên Hà Nội vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, công tác thanh niên ở một số nơi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của thanh niên Thủ đô” - đồng chí Nguyễn Lan Hương nhận xét.

Tư vấn việc làm cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho thanh niên năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Anh


Trước những khó khăn, thách thức đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục rà soát, bổ sung các chương trình, đề án, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật… liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp của các ngành với tổ chức Đoàn trong các hoạt động văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất và tổ chức các phong trào thi đua trên địa bàn, trong nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp… để thanh niên được phát triển toàn diện trong môi trường sống lành mạnh. “Trong đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, bảo đảm nâng tỷ lệ lao động trẻ đã qua đào tạo, để thanh niên có nhiều cơ hội tìm việc làm. Cùng với đó, thường xuyên mở các hội chợ việc làm, trung tâm giao dịch việc làm nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng giao nhiệm vụ cho cấp ủy các cấp tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn hoạt động; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục để lực lượng thanh niên phát huy vai trò xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, các cấp ủy cần quan tâm lãnh đạo nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn từ thành phố đến cơ sở; khắc phục bệnh hình thức nhằm thu hút, tập hợp thanh niên... "Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để thanh niên lập thân, lập nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.