(HNM) - Kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương tại Hà Nội thời gian qua cho thấy, muốn hạn chế phát sinh các điểm
Với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội luôn xác định công tác tiếp, đối thoại với dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nhờ cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả, hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc (đất đai, xây dựng nông thôn mới, cơ chế chính sách…) đã được giải quyết hợp tình, hợp lý thông qua các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất.
Qua các cuộc tiếp xúc và đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nắm bắt kịp thời tình hình, biết bản chất vấn đề để có hướng chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc và tiến hành giám sát, xử lý đến nơi đến chốn. Ngược lại, những vấn đề người dân chưa hiểu rõ hoặc hiểu chưa đúng cũng sẽ được giải thích kỹ thông qua đối thoại. Việc này đã giúp các địa phương tạo đồng thuận từ cơ sở, giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh điểm "nóng" phức tạp.
Hiệu quả của công tác tiếp dân, đối thoại đã rõ, song thực tế vẫn có nơi cấp ủy, chính quyền còn chưa chủ động, thậm chí đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc tiếp công dân... Mặt khác, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là công việc phức tạp. Nhiều vụ việc đã được các cấp, ngành giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tiếp và đối thoại với nhân dân, ngày 7-5-2019, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 138-KH/TU về thực hiện Quy định 11-QĐi/TƯ, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị "Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân". Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại và giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, một lần nữa được khẳng định.
Rõ ràng nơi nào người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, nơi đó giữa chính quyền và nhân dân luôn có sự đồng thuận cao. Trong đó, người đứng đầu cũng như cán bộ chuyên trách tiếp công dân cần sẵn sàng tâm thế, phương pháp ứng xử thể hiện sự gần dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trong quá trình tiếp dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, đúng thời hạn, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân...
Ngoài ra là tiến hành đồng bộ các giải pháp từ tổ chức thực hiện đến quy trình tiếp, giải quyết kiến nghị của công dân. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm hạn chế việc đơn thư chuyển lòng vòng, giải quyết chồng chéo, chuyển đơn nhiều lần với cùng một nội dung. Cùng với đó, cần phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đưa vào trong quy chế phối hợp của các cấp, ngành theo tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình". Tập trung tăng cường việc rà soát nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc đối thoại định kỳ cũng như đột xuất; kiên trì theo bám và giải quyết đến cùng, dứt điểm những kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở, không để những vấn đề nhỏ tích tụ thành bức xúc lớn.
Có như vậy, việc tiếp và đối thoại với người dân - một “nhiệm vụ bắt buộc” - mới tạo sự đồng thuận, giúp các địa phương ổn định tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.