Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Gia Khánh| 10/08/2022 06:43

(HNM) - Theo thống kê, nếu năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 1,78% thì năm 2021 đã tăng lên 9,51% và 7 tháng năm 2022 đạt gần 18%. Mặc dù tăng dần qua từng năm, nhưng tỷ lệ trên vẫn được coi là khá thấp so với yêu cầu, mức độ đầu tư cho chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng số.

Việc tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp cho thấy nhiều điều. Thứ nhất, người dân chưa quen với việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường internet, thông qua các ứng dụng số, không biết có thủ tục hành chính đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến; còn nhiều người chưa được tiếp cận với internet, máy tính hay thiết bị di động thông minh hoặc có thiết bị di động thông minh nhưng vẫn giữ thói quen làm thủ tục hành chính trực tiếp…

Thứ hai, việc thông tin, tuyên truyền cũng chưa đủ, chưa có cơ chế khuyến khích người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Hạ tầng số dù được cải thiện, nhưng tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn ở mức trung bình khá, chưa tạo đột phá để phục vụ chuyển đối số quốc gia. Nhiều cơ sở dữ liệu chậm triển khai, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả… đã cản trở việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Hơn hết, một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất, người dân chưa thấy thuận tiện, dễ sử dụng. Nhiều dịch vụ công nhưng tỷ lệ sử dụng thấp dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. Có thể so sánh với tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ mua bán trực tuyến hay thanh toán trực tuyến trên nền tảng số tăng gấp nhiều lần trong bối cảnh dịch bệnh để thấy, nếu dịch vụ trực tuyến hữu ích, thuận tiện, cần thiết, người dân sẽ tìm đến và sử dụng, biến nó thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Vậy, làm gì để thu hút, tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến? Trước hết, việc chuyển đổi số cần tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện; chuyển đổi số không chỉ ở từng cấp, ngành, doanh nghiệp mà phải đến với từng người dân và phục vụ người dân. Hạ tầng số phải tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, chất lượng mạng băng rộng cố định, di động không ngừng được cải thiện. Hệ thống cơ sở dữ liệu phải được xây dựng đồng bộ, liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân tốt nhất. Các doanh nghiệp số phải chủ động, sáng tạo, xây dựng các sản phẩm số hữu ích, xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra; đi cùng với đó là làm tốt việc truyền thông, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ trì phiên họp Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số lần thứ ba, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã nhấn mạnh, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp, sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Để tránh hiện tượng dịch vụ công trực tuyến nhiều, nhưng người dân sử dụng ít; các nền tảng số nhiều, cơ sở dữ liệu lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp, cần phải làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật.

Lấy người dân là trung tâm, để người dân tham gia chuyển đổi số và người dân được hưởng thụ thật rõ ràng là cách hiệu quả nhất khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.