Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Dự thảo Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình dựa trên kinh nghiệm triển khai tại một số bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, mục tiêu đến hết năm 2024, các bộ, ngành có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; các địa phương đạt tối thiểu 30%. Đến hết năm 2025, các bộ, ngành đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình tối thiểu 85%; các địa phương đạt tối thiểu 70%.
Tuy nhiên, tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương hiện không đồng đều, có nơi đạt tỷ lệ cao 69%, nhưng nhiều nơi đạt dưới 5% và trung bình khối địa phương triển khai dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 17,9%...
Để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ đã xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến, gồm 7 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính, gồm: Rà soát, tái cấu trúc quy trình, thành phần hỗ trợ trong thủ tục hành chính; ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến với các hạng mục dự kiến hoàn thành trong quý III và quý IV-2024.
Trong đó, ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Hiện, có 63/63 tỉnh đã ban hành chính sách về phí, lệ phí, trong đó, đã ban hành chính sách miễn phí, lệ phí có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long; 59 tỉnh ban hành chính sách giảm tối đa 50% phí, lệ phí.
Thứ hai, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính: Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT; triển khai các ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tích hợp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến của người dân (VNForm) do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai để khảo sát, thu thập ý kiến của người dân và doanh nghiệp...
Thứ ba, phát triển hạ tầng số, gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển hạ tầng truy cập băng rộng cho người dân, phổ cập điện thoại thông minh.
Thứ tư, xây dựng Kho dữ liệu số với các nội dung: Số hóa, tạo lập kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính; kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; phát triển cơ sở dữ liệu các cấp và kết nối, chia sẻ hiệu quả.
Thứ năm, đào tạo nhân lực số: Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Thứ sáu, triển khai các nội dung bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thứ bảy, thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến. Các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp để người dân có thể giám sát việc xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.