(HNM) - Theo ước tính của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, việc duy trì vệ sinh môi trường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tính chung cả địa bàn TP Hà Nội có chi phí từ 4.000 đến 5.000 tỷ đồng mỗi năm.
Qua đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố tại một số quận cho thấy, việc tính định mức, giám sát, nghiệm thu khối lượng về vệ sinh môi trường, công viên cây xanh và thoát nước còn áp dụng quy trình định mức, đơn giá thủ công, chưa gắn được trách nhiệm của đơn vị thực hiện đến khâu cuối cùng. Nghĩa là định kỳ một ngày quét rác hai lần, một tuần khơi thông bùn, rác một lần, được cán bộ giám sát, nghiệm thu là xong và sẽ được thanh toán đúng định mức. Còn việc kiểm tra, duy trì sau khi nghiệm thu không được quan tâm, nên nhiều nơi vẫn chưa sạch. Đặc biệt, việc trồng cây xanh đang được các đơn vị công ích thực hiện theo quy trình, trồng 45 ngày, dù vẫn xanh tốt, nhưng vẫn bê đi trồng lại mới, thì mới tính định mức, thanh toán... Đây là những vấn đề băn khoăn của Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội mong muốn liên ngành Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT cần có giải pháp tháo gỡ, bảo đảm chi ngân sách đúng, hiệu quả.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét, khơi thông dòng chảy trên sông Kim Ngưu. Ảnh: Lê Quang |
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, một số địa phương đưa cơ giới vào thực hiện duy trì vệ sinh môi trường là đúng, giảm lao động thủ công, nhưng hiện tại khó khăn trong xây dựng định mức, đơn giá, cần phải có sự vào cuộc thẩm định của Sở Tài chính. Tuy nhiên, sau này, khi có quy trình, định mức thì đơn vị thực hiện cũng cần năng động, giảm chi phí mà vẫn bảo đảm đường phố sạch, đơn vị mới có lợi nhuận. Nếu tổ chức đấu thầu, nhất thiết cần có giá trần và trong tháng 6-2014 Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẽ hoàn thiện quy trình, định mức này, sau đó trình UBND thành phố.
Ông Lê Văn Dục cho biết thêm, thực tế các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ và Long Biên đã tổ chức đấu thầu công tác vệ sinh môi trường, chỉ còn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng vẫn giao cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội đảm nhận. Hiện tại, Sở Xây dựng cũng đang băn khoăn, vì đơn vị này có khoảng 3.000 công nhân, nếu tổ chức đấu thầu, đơn vị không trúng thầu thì việc giải quyết số lao động trên sẽ như thế nào? Chính vì vậy, việc này cần phải tính toán kỹ trước khi tổ chức đấu thầu 4 quận nói trên.
Hiện nay, tại một số khu đô thị mới, có doanh nghiệp muốn đảm nhận dịch vụ vệ sinh môi trường và sẵn sàng hạ đơn giá đến 25% so với định mức, đơn giá quy định hiện hành của UBND TP Hà Nội. Chính vì thế, các ngành chức năng của TP Hà Nội cần sớm xây dựng định mức tiêu chuẩn nhằm đẩy mạnh công tác đấu thầu và nghiệm thu sản phẩm thì sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách. Ngoài ra, một số quận còn kiến nghị thành phố nên phân cấp cho các địa phương trong hoạt động quản lý, duy trì vệ sinh môi trường và hạ tầng kỹ thuật. Nếu chủ trương này được cho phép, việc thực hiện tại cơ sở sẽ giao khoán cho các đơn vị, còn ngành chủ quản của thành phố chỉ nghiệm thu thì sẽ hiệu quả và phù hợp hơn.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Lê Thị Loan: Hiện UBND thành phố đã giao cho Sở rà soát lại quy trình định mức, đơn giá, nếu hạng mục nào cần đấu thầu thì sẽ tổ chức đấu thầu. Sắp tới, Sở sẽ lấy ý kiến các bộ phận liên quan nhằm thống nhất định mức, đơn giá chung, phù hợp với từng khu vực để báo cáo UBND thành phố. Mục đích của việc này là để làm sao địa bàn TP Hà Nội luôn xanh, sạch, đẹp, đồng thời tiết kiệm ngân sách. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.