Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hội nhập, phải có tư duy hội nhập

Trung Hưng| 31/12/2015 06:17

(HNM) - Hôm nay 31-12, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. Đây là sự kiện lớn đối với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đồng thời đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình hội nhập tích cực, chủ động và sâu rộng của nước ta. Tuy nhiên, những khảo sát, đánh giá về phía người dân - người lao động, cộng đồng doanh nghiệp (đối tượng mà sự kiện sẽ có tác động trực tiếp, rõ rệt) lại cho thấy những vấn đề không khỏi gây lo ngại.

Tại phiên họp của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 29-12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - một trụ cột của Cộng đồng ASEAN - vẫn còn hạn chế.

Việc gia nhập AEC mang lại nhiều lợi ích, cơ hội, tất yếu song hành là cạnh tranh, thách thức gay gắt nhưng một khảo sát trước đó của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp hiểu biết và... có thể tận dụng được cơ hội.

Kết quả dự án nghiên cứu "Nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam", dựa trên ý kiến của gần 500 doanh nghiệp, do Trường Doanh nhân PACE công bố ngày 28-12, cũng có mẫu số chung: Rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp chưa biết và hầu như không quan tâm đến WTO là 33,4%, đối với TPP là 40,9%. Tỷ lệ doanh nghiệp không nắm được điều khoản cụ thể của các hiệp định này ở mức đáng báo động, lần lượt là 66,3% và 77,8%. Thậm chí, với việc AEC ra đời hôm nay 31-12, cũng có đến 56,8%... chưa biết hoặc không quan tâm và 85% không nắm được những điều khoản cụ thể của AEC. Trong tương quan với phía "bạn", tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam không biết về AEC cao hơn rất nhiều: Tại Myanmar là 36%, tại Lào 28% và tại Campuchia là 26%.

Ở góc độ người dân - người lao động, những khảo sát không chính thức (phỏng vấn của các cơ quan truyền thông) cũng cho kết quả tương tự. Trả lời những câu hỏi như "Bạn biết gì về Cộng đồng ASEAN?", "Cộng đồng ASEAN ra đời khi nào?"... là những cái lắc đầu, những câu trả lời "Không!" gọn ghẽ... Một trong những điển hình cho thấy nhận thức hạn chế về hội nhập là tình trạng nhiều lao động xuất khẩu phá hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng thì ở lại làm chui tại các thị trường Đông Nam Á.

Đâu là nguyên nhân của thực tế rất đáng lo ngại này? Tương đồng với đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kết quả các cuộc khảo sát trước đây, ý kiến được đưa ra tại phiên họp của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương là: Doanh nghiệp chờ thông tin.

Điều này cũng đúng ở phía người dân - người lao động. Trong khi đó, ở các nước khác, doanh nghiệp rất chủ động tìm hiểu thông tin.

Trong những năm qua, ở góc độ quản lý nhà nước, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên tục được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; công tác cải cách hành chính liên tục được đẩy mạnh... Để hội nhập một cách chủ động, tận dụng được cơ hội, hạn chế bớt những khó khăn, người dân (đặc biệt là đối tượng lao động), cũng như cộng đồng doanh nghiệp phải có tư duy hội nhập. Mà để hình thành tư duy hội nhập thì cùng với sự hỗ trợ, định hướng thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hơn bao giờ hết, chính người dân và cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động.

Rõ ràng, không thể tham gia một cuộc chơi mà không hiểu gì hoặc lơ mơ về luật của cuộc chơi đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để hội nhập, phải có tư duy hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.