(HNM) - Thực tiễn đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn trong năm 2019 mới có thể giải quyết dứt điểm 200 vụ việc phức tạp theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy.
Thực tiễn đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn trong năm 2019 mới có thể giải quyết dứt điểm 200 vụ việc phức tạp theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy.
Lắng nghe ý kiến, phản ánh của nhân dân, cơ quan chức năng có thêm thông tin để tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho các vấn đề khó, “nóng”. |
Tồn tại gần 50% số vụ việc
Qua hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện, Nghị quyết số 15-NQ/TU đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về trách nhiệm, tính cấp thiết phải xử lý những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Ban Chỉ đạo) nhận định: “Bây giờ nói đến điểm nóng hay vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở, không đồng chí bí thư cấp ủy nào xem nhẹ. Tất cả đều coi trọng, quyết liệt chỉ đạo”. Hơn một năm qua, Nghị quyết số 15-NQ/TU đã giúp Đảng bộ thành phố củng cố được 97/117 tổ chức cơ sở Đảng, đạt 82,9%; có 103 vụ việc phức tạp theo Báo cáo số 102-BC/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội và 88 vụ việc phức tạp khác do các quận, huyện, thị xã tự rà soát đã được giải quyết dứt điểm. Phản ánh từ các cấp ủy đều cho thấy sức lan tỏa của nghị quyết đối với quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Tuy nhiên, so với yêu cầu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề ra tại hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU và Kế hoạch số 51-KH/TU về thực hiện nghị quyết là đến hết năm 2017, chậm nhất giữa năm 2018, cơ bản phải giải quyết xong 200 vụ việc phức tạp được nêu trong Báo cáo số 102-BC/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội. Đến nay đã quá thời hạn nêu trên, nhưng số vụ việc phức tạp vẫn còn gần 50% (97 vụ việc). Số vụ việc do các địa phương tự rà soát cũng còn trên 50% (92 vụ việc). Rất ít địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp trên địa bàn. Tại quận Cầu Giấy, theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Phương Kiến Quốc, mặc dù đã rất cố gắng, nhưng quận cũng mới giải quyết được 8/11 vụ việc phức tạp. Ngay cả nơi chỉ có 1 vụ việc như huyện Thường Tín, mặc dù có sự hỗ trợ từ tổ công tác của thành phố nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Đáng chú ý, ngoài những nguyên nhân khách quan, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, việc chậm tiến độ so với yêu cầu còn có nguyên nhân chủ quan là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; chưa thấy hết trách nhiệm và chưa thật sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp...
Siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm
Một trong những mục tiêu quan trọng của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hiện nay chính là thúc đẩy tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, trước hết là 200 vụ việc trong Báo cáo số 102-BC/BTCTU.
Để làm được điều này, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, năm 2019, các quận, huyện, thị ủy cần tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp ở cơ sở; đồng thời tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và tổ công tác những trường hợp tồn tại, vướng mắc khó giải quyết để cùng tháo gỡ, tránh tình trạng ỷ lại vào thành phố. Trong khi đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, năm 2019, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và phân công các tổ công tác trực tiếp làm việc với cơ sở; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, các sở, ban, ngành cũng như các cấp ủy phải xác định rõ trách nhiệm, giải quyết hết thẩm quyền của mình trong mỗi vụ việc.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định: Năm 2019, Ban Chỉ đạo xác định là năm “hành động” với tinh thần chủ động rà soát, phân loại và xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, củng cố các cơ sở yếu kém. Đáng chú ý, để siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm trong giải quyết các vụ việc phức tạp, Ban Chỉ đạo sẽ chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân người đứng đầu đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm, tồn đọng kéo dài, khiếu kiện tập trung đông người trái pháp luật... trên địa bàn Giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cũng như của mỗi cán bộ lãnh đạo. Do đó, kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU trong năm 2019 sẽ là căn cứ để soi chiếu năng lực thực sự của tập thể, cá nhân; đòi hỏi các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu phải nỗ lực, quyết liệt hơn, qua đó thực hiện thành công nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tạo tiền đề tổ chức tốt đại hội nhiệm kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.