(HNM) - Gần 40 năm qua, các nhà sáng tác đã góp công không nhỏ hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tình trạng tham gia trại sáng tác như cơ hội nghỉ dưỡng, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong sáng tạo tác phẩm...
Khai mạc trại sáng tác Kịch bản sân khấu năm 2017 tại Nhà sáng tác Đại Lải. |
"Cú hích" cần thiết
Yêu cầu đổi mới đã được "xới xáo" trong hai năm qua, sau nhiều lùm xùm về chuyện đi trại để sáng tác hay... dưỡng già. Bộ VH-TT&DL đã vào cuộc, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý, văn nghệ sĩ, các hội nghệ thuật về vấn đề này. Hiệu ứng tích cực đã xuất hiện, được "cân, đong, đo, đếm" rõ ràng trong Chương trình công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật hình thành tại các nhà sáng tác trong năm 2015 và 2016 vừa được tổ chức lần đầu tiên khá quy mô tại Hà Nội.
Bàn về dấu ấn của sự kiện này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên đánh giá: "Do là lần đầu công bố các tác phẩm được hình thành từ 7 nhà sáng tác trong toàn quốc nên còn nhiều điều chưa được ưng ý. Song, đây thực sự là "cú hích" cần thiết để gắn trách nhiệm của người nghệ sĩ, hội chuyên ngành cũng như các nhà sáng tác, chấm dứt tình trạng cử người đi dự trại sáng tác, hoàn thành kịch bản, rồi... cất kho. Việc công bố ở quy mô toàn quốc đã tạo sự hưng phấn cho các văn nghệ sĩ, khi sản phẩm của họ được công chúng biết tới".
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Ngàn chia sẻ: "Việc này đòi hỏi các hội chuyên ngành phải cân nhắc kỹ, lựa chọn người còn sức sáng tạo, đam mê, ý tưởng, có kịch bản chi tiết, để khi đến nhà sáng tác họ có điều kiện cho ra tác phẩm mới, hạn chế tối đa tình trạng đi trại sáng tác kiểu... nghỉ dưỡng". Còn nhà văn Chu Lai, tác giả của những tiểu thuyết "Nắng đồng bằng", "Mưa đỏ", "Gió xanh"... đều được "ra lò" từ chính những đợt đi trại sáng tác, cho rằng: "Để nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ tại các nhà sáng tác, điều trước tiên phụ thuộc vào ứng xử của người dự trại và người tổ chức. Tôi vẫn nhớ như in lần được đi dự trại sáng tác ở Đà Lạt, sau thống nhất Nam - Bắc, kéo dài 1 tháng cùng những tên tuổi Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa... biết bao tác phẩm tuyệt vời đã ra đời từ đây... Đến nay, qua bao năm gắn bó, tôi càng khẳng định vai trò điểm tựa tinh thần rất giá trị của nhà sáng tác, để mỗi lần "vào trại" là phải "viết đến nơi đến chốn, viết đến tận cùng"!
Nhà văn Chu Lai cho rằng, trước khi đi trại sáng tác, người được đề cử không chỉ đăng ký đề tài, đề cương, mà cần có kịch bản chi tiết, hoạch định rõ ràng. Với đợt dự trại 15 ngày, có thể dành 3 ngày đầu để chia tổ, đọc cho nhau nghe, có sự góp ý quyết liệt của những người còn lại; 10 ngày tiếp theo là để chỉnh sửa, gọt giũa, "buộc mình" vào kỷ luật sáng tạo nghiêm ngặt; các ngày còn lại sẽ tổ chức rút thăm để tất cả cùng xem những sản phẩm được chỉnh sửa đến đâu. Nhà văn Chu Lai nhấn mạnh: "Chất lượng sáng tác như thế nào sẽ do chính hành vi ứng xử của người dự trại và tổ chức điều hành trại, do vậy, rất cần mở cơ chế đi trại sáng tác theo chiều sâu. Bản thân tôi 3 tháng đi 6 trại sáng tác, tự thấy phải viết với tất cả sự nghiêm cẩn và trách nhiệm nghề nghiệp của mình".
Cần chuyên nghiệp hóa các hoạt động
Trưng bày các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu được sáng tác tại các nhà sáng tác trong 2 năm 2015-2016 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Thu Minh |
Sự đầu tư cho các nhà sáng tác là minh chứng về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc hỗ trợ phát triển nền văn học, nghệ thuật, tạo động lực, khuyến khích khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Với mỗi đợt dự trại sáng tác, văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, giao lưu, tìm hiểu, học hỏi nhau, tìm tòi ý tưởng, đề tài, nội dung của tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, để các nhà sáng tác hoạt động thực sự hiệu quả không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Ngàn cho biết: "Hiện tại, kinh phí mỗi năm từ ngân sách cho Trung tâm và 6 nhà sáng tác ở Tam Đảo, Đại Lải, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu là 13 tỷ đồng, tính ra mỗi đơn vị chỉ có hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng đầu tư cho văn nghệ sĩ dự trại sáng tác cũng vào khoảng 600 triệu đồng, chưa kể các khoản trả lương, điện, nước... cho gần 85 cán bộ, nhân viên của 7 đơn vị...".
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh: "Lãnh đạo Bộ luôn trăn trở về việc phải tìm thêm nguồn lực cho các nhà sáng tác. Kinh nghiệm thực tế của các nước cho thấy, thị trường nghệ thuật cần được kích thích từ chính các nguồn lực xã hội. Hiện nay, nhận thức xã hội đã và đang được nâng cao, nhu cầu thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng được chú ý hơn - đây là cơ hội tốt để các nhà sáng tác chủ động khai thác, tìm thêm nguồn vốn xã hội hóa, phát huy hiệu quả hoạt động".
Thế nhưng, không thể cứ ngồi đợi "chờ nước lên thì thuyền lên", vì vậy, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên các nhà sáng tác cần chuyên nghiệp hóa hoạt động của đơn vị, tận dụng các phương tiện công nghệ để quảng bá tiềm năng, khai thác hiệu quả nguồn lực cơ sở vật chất sẵn có. Bên cạnh đó, cần chủ động tìm cách kết nối, liên kết với các quỹ đầu tư văn hóa, nghệ thuật của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để đầu tư phục vụ các hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ theo chiều sâu.
Thiết nghĩ, trong thời đại công nghệ số, nếu biết khai thác các nền tảng truyền thông qua các trang mạng xã hội cùng các hình thức đa dạng khác, với sự chung tay của các nghệ sĩ, chuyên gia uy tín, kết hợp với sự minh bạch trong quản lý, đầu tư thì việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, hỗ trợ văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo tốt nhất tại các nhà sáng tác không phải chuyện quá xa tầm tay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.