(HNM) - Mới đây, nhà văn Phong Điệp, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) có những chia sẻ về công tác xây dựng đội ngũ viết văn kế cận cho các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, sau khi chị được mời hướng dẫn tại Trại sáng tác văn học thanh thiếu niên năm 2020 do Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức.
Theo đó, có nhiều địa phương chú trọng công tác phát triển, bồi dưỡng tài năng văn học trẻ. Như ở Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thường xuyên tổ chức trại sáng tác cho các cây viết trẻ. Báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng dành nhiều “đất” đăng tải sáng tác của những cây bút này. Trại sáng tác văn học thanh thiếu niên vừa qua được tổ chức khá hiệu quả. Thông tin được đăng tải rộng rãi trên báo chí để mời tác giả quan tâm đăng ký. Trong số 25 học viên, có cả học sinh mới chỉ học lớp 6 và có những tác giả lớn tuổi để các thế hệ giao lưu, học hỏi. Những người quan tâm không kể tuổi tác cũng có thể dự thính. Đây cũng là trại sáng tác có nhiều hoạt động trao đổi chuyên môn, đi thực tế và tọa đàm trao đổi về tác phẩm thu hoạch…
Có “trồng cây” mới có những “mùa thu hoạch”. Thế nên mới có chuyện không đồng đều giữa các địa phương. Tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX gần đây, Ban Tổ chức đã khá vất vả với công tác nhân sự dự hội nghị. Vì có những địa phương hiếm tác giả trẻ nổi bật, nhưng có những nơi như Thái Nguyên hay An Giang lại khá dồi dào với hàng chục cây bút, trong đó nhiều người hoạt động vượt ra khỏi phạm vi địa phương, được giới văn chương và độc giả ghi nhận.
Rõ ràng, việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học nói riêng và văn nghệ nói chung là một quá trình, phải được thực hiện dài hơi và có tầm nhìn. Đây là kinh nghiệm cho các địa phương học hỏi để có lớp kế cận chất lượng, xứng đáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.