(HNM) - Trên văn đàn hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ có tác phẩm gây tiếng vang, đoạt giải thưởng trong và ngoài nước. Thậm chí, có nhiều cây bút chuyên nghiệp, sống được bằng nghề viết. Đây là tín hiệu tích cực cho hiện tại và tương lai của văn học nước nhà. Sự khích lệ, đồng hành và lắng nghe từ giới nghề và người yêu văn chương sẽ cộng gộp tạo sức vươn mạnh mẽ cho những tác giả trẻ đắp xây giá trị văn học mới.
Những “cơn sóng” mới
Thời gian qua, có không ít tác giả trẻ đem đến "cơn sóng mới" trên văn đàn, như Đinh Phương, Nhật Phi, Đức Anh, Hiền Trang, Quỳnh Phạm, Lý Hữu Lương, Tống Phước Bảo, Nguyễn Thị Kim Nhung, Lê Vũ Trường Giang, Nam Thiên Phú, Vĩ Hạ… Bằng tâm thế mới và lối viết khác biệt, họ đã vẽ nên đời sống đương đại với muôn hình, muôn vẻ, ấn tượng, hấp dẫn.
Là “dân ngoại thương” nhưng nhu cầu đọc và viết đã thôi thúc tác giả Hiền Trang dấn thân vào con đường văn chương chuyên nghiệp. Tác giả sinh năm 1993 này hiện đã có 6 tác phẩm xuất bản, từng đoạt giải B Giải thưởng văn học Đoàn Thị Điểm, giải Ba và giải Tư cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI và VII. Trong đó, tác phẩm mới nhất “Tại sao ta yêu…” gồm những bài tiểu luận, phê bình văn chương, điện ảnh, âm nhạc về những nhân vật nổi tiếng thế giới, được nhà văn, nhà phê bình Văn Giá nhận xét: “Cuộc viết như yêu. Cái viết như jazz. Nồng nàn. Ngẫu hứng. Thật lòng. Trên một nền kiến văn rộng rãi, chắc chắn, đầu nguồn. Phiêu và cuốn hút. Hiền Trang đặt định một lối viết: Phá chấp, tự tin, tự do”. Viết kiên trì, bền bỉ, Hiền Trang cho biết, hiện có thể sống hoàn toàn bằng văn chương.
Cùng sinh năm 1993, Đức Anh cũng được xem là tác giả tiêu biểu của thế hệ nhà văn trinh thám hiện đại Việt Nam. Theo đuổi văn chương chưa lâu, nhưng tác giả này đã có 4 tác phẩm dày dặn xuất bản và từng đoạt giải cuộc thi và sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 2020. Tác phẩm vừa ra mắt đầu năm là “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” không theo lối mòn mà hòa trộn giữa trinh thám và giả tưởng, cùng một chút hành động, vừa hấp dẫn người đọc vừa truyền tải những suy tư về nhân sinh, bản thể…
Điển hình nữa là tác giả Nhật Phi, sinh năm 1991, đã có tiểu thuyết “Người ngủ thuê” đoạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V từ gần 10 năm trước (năm 2014). Kiên trì theo đuổi dòng tiểu thuyết giả tưởng, tác phẩm mới nhất “Thị trấn mùa đông” của Nhật Phi tiếp tục xây dựng nên một không gian mới mà vẫn thấp thoáng câu chuyện của hiện thực. Nhà văn Quỳnh Phạm (sinh năm 1997) lại chọn cho mình con đường viết tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử dân tộc mà hiếm người trẻ dấn thân. Với 3 tác phẩm đã và chuẩn bị xuất bản, Quỳnh Phạm dùng ngòi bút trong sáng, ham hiểu biết của mình để dẫn bạn đọc hôm nay đến với văn chương, lịch sử.
Nhà thơ Lý Hữu Lương - người nhận giải thưởng Tác giả trẻ lần đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2021) và nhà thơ Trần Đức Tín - người nhận giải thưởng này năm 2022 đều chọn khai thác vẻ đẹp truyền thống dân tộc bằng ngôn ngữ, góc nhìn của thời đại hôm nay. Trong khi tác giả Phương Đặng, Vĩ Hạ lại mở ra những suy tưởng về giá trị, thân phận con người trong cuộc sống hiện đại bằng ngôn ngữ thơ mới lạ, ấn tượng…
Mở rộng đường đi tới
Để đạt được những thành tích, dấu ấn trên con đường văn chương, các tác giả trẻ hiện nay đã dấn thân với một tâm thế nghiêm túc, kiên trì và bền bỉ.
Tác giả Hiền Trang chia sẻ, càng đi vào con đường viết chuyên nghiệp càng đòi hỏi lượng kiến thức và sức sáng tạo nhiều hơn. Bởi vậy, tác giả này tích lũy bằng cách rèn mình ngày nào cũng phải xem một bộ phim, đọc ít nhất 30 trang sách và viết khoảng 2.000 từ. Còn tác giả Nhật Phi cho biết, để xây dựng tiểu thuyết với hệ thống nhân vật đa dạng, người viết không thể trải qua tất cả các ngành nghề, hoàn cảnh, nhưng họ phải quan sát tinh tế, tỉ mỉ mọi điều xung quanh mình.
Bên cạnh nỗ lực tự thân, sự đón nhận, đồng hành, cổ vũ của giới nghề và độc giả sẽ mở rộng đường cho tác giả trẻ đi tới. Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội cho rằng, những người trẻ hiện nay có tư duy của người viết không biên giới. Kiến thức của họ được tích lũy hằng ngày thông qua việc đọc, xem, trao đổi trên nhiều phương tiện công nghệ hiện đại. Vì thế, tôn trọng sự phát triển đa dạng sẽ tạo cơ hội cho văn học trẻ bung nở trong tương lai.
Là người tích cực theo dõi và đồng hành với nhiều cây bút trẻ, nhà thơ Đặng Thiên Sơn đánh giá, lực lượng tác giả trẻ hiện nay dồi dào và sung sức sáng tạo. Song, để họ sẵn sàng theo văn chương chuyên nghiệp cần tạo nhiều sân chơi, tổ chức các giải thưởng cho tác giả trẻ, nhất là tại Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa văn nghệ nước nhà.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhận định, mỗi thế hệ mang một giọng nói khác biệt trong sáng tạo và nghệ thuật. Nhà văn trẻ có thể thay đổi thi pháp, đề tài nhưng có một thứ không thể thay đổi, đó là lương tri của con người, là sự thúc giục hiển lộ những giá trị nhân văn trên văn bản.
Hội Nhà văn Việt Nam xác định tầm quan trọng trong việc phát hiện, tôn vinh, bảo vệ giá trị tác phẩm văn chương trẻ. Bên cạnh Giải thưởng Tác giả trẻ hằng năm, Hội tổ chức nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm, đi thực tế hay giới thiệu, quảng bá tác phẩm của người viết trẻ để xây đắp nguồn cho văn học tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.