Văn hóa

Tạo bứt phá cho sáng tác văn học trẻ

An Nhi 03/12/2023 - 06:48

Trên văn đàn hiện nay đang có một thế hệ mới tự tin, khác biệt trong sáng tác, tỏa rộng ở nhiều khuynh hướng. Tuy nhiên, con số tác giả trẻ thành danh, ghi dấu ấn rất ít, tiếng nói trong tác phẩm của họ còn trầm lắng. Để tạo nên sự bứt phá cho sáng tác văn học trẻ, từ đó đóng góp vào sự phát triển văn hóa nước nhà, không chỉ tự thân người cầm bút, mà cần có đổi mới trong hỗ trợ, khuyến khích, đầu tư của các cấp hội, ngành và xã hội.

cac-tac-pham-van-hoc-tre-hi.jpg
Các tác phẩm văn học trẻ hiện nay nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả.

Khơi dậy trách nhiệm của người viết

Hiện nay, đời sống văn chương xuất hiện nhiều cây bút triển vọng. Ở mảng sáng tác có Đinh Phương, Lý Hữu Lương, Văn Thành Lê, Lữ Mai, Lê Quang Trạng, Vũ Đức Anh, Huỳnh Lê Triều Phú, Phạm Minh Quân, Phát Dương, Vũ Thị Huyền Trang, Trang Nguyễn… Mảng phê bình, ngoài thế hệ 8X, còn xuất hiện một số gương mặt đang học đại học hoặc vừa rời giảng đường như Nguyễn Đình Minh Khuê, Phạm Minh Quân, Vũ Kiều Chinh…

Tuy nhiên, không ít tác giả trẻ chỉ đến với văn chương như một cuộc chơi, tham gia một thời gian rồi rời bỏ. Các tác phẩm của họ chưa cất được tiếng nói mạnh mẽ trong đời sống. Theo Tiến sĩ Lê Vũ Trường Giang (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), các tác giả trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi bởi đời sống đa sắc, đa diện trước mắt là “mỏ quặng” dồi dào để khám phá. Kho tàng tri thức, văn chương tràn ngập trong thư viện, hiệu sách, trên không gian mạng, cung cấp lượng kiến thức khổng lồ nếu người viết trẻ chịu đào sâu. Một thế hệ nhà văn đi trước đầy bản lĩnh, thành tựu, kinh nghiệm luôn sẵn sàng chia sẻ. Vô số cơ hội công bố tác phẩm đến bạn đọc trên báo chí, internet và hệ thống xuất bản…

Do đó, việc chủ động, tự thân của người viết để tìm tòi, trau dồi nghề viết quyết định chất lượng sáng tác. Mỗi người viết trẻ phải khao khát và dấn thân vào sáng tác bằng trách nhiệm, thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, cầu thị. Họ phải xác định rằng, mình cầm bút để lan tỏa những giá trị của cộng đồng, xã hội, quê hương, đất nước và xa hơn nữa là giá trị phổ quát của nhân loại; phải truyền tải được cái đẹp, những thông điệp có ý nghĩa nhân văn của đời sống…

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, hiện đa số người viết văn trẻ có kiến thức tốt, được đào tạo bài bản và có cách tiếp cận vấn đề đa dạng, từ giọng điệu đến đề tài, nội dung. Vì vậy, nhà phê bình phải thật sự nhanh nhạy, có hiểu biết để giải mã, giao tiếp được với những sáng tác mới mẻ của văn chương trẻ mới đồng hành, hỗ trợ văn học phát triển. Thực tiễn sáng tác cũng đang là thách thức với nhà phê bình...

Tạo lập hệ sinh thái văn chương

Là một người viết văn trẻ tiêu biểu, làm nghề viết văn chuyên nghiệp, nhà văn thế hệ sinh những năm 1990 Hiền Trang kể rằng, khi tham gia khóa đào tạo viết văn quốc tế của Đại học Lowa (Mỹ) năm 2022, cô gặp những người từ bang khác đến Lowa du lịch. Biết cô là nhà văn, họ rất vui mừng, xin chữ ký và bảo rằng, ao ước được gặp một nhà văn ở chốn này đã thành hiện thực. Cũng tại đây, mỗi khi giới thiệu mình là nhà văn, cô luôn được đón chào và không ai hỏi nhà văn là “Bạn còn làm công việc nào khác để sống không?”. “Họ giúp tôi thấy yêu công việc này và yên tâm rằng, nhà văn là công việc được xã hội đánh giá cao, có ích, xứng đáng để tiếp tục theo đuổi. Đối với nhà văn trẻ, điều quan trọng nhất là sống trong bầu không khí có thể tự hào nói rằng mình là nhà văn”, nhà văn Hiền Trang chia sẻ.

Bên cạnh nỗ lực tự thân, nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cũng đồng tình rằng, cần tạo nên hệ sinh thái văn chương mà sách, việc đọc sách và những người viết văn được tôn vinh. Theo nhà thơ Trần Hữu Việt, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp cả về vật chất và tinh thần để khuyến khích, tạo sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội với các hoạt động văn chương. Từ đó, người viết trẻ thấy mình phải xứng đáng với sự quan tâm đó mà dấn thân, cống hiến.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, các cơ quan, đơn vị, hội nghề nghiệp cần thay đổi trong quan điểm tiếp cận người viết trẻ, cũng như tư duy về việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình liên quan đến văn học trẻ. “Lâu nay, hội nghề nghiệp hay ngành văn hóa, văn nghệ vẫn tổ chức các cuộc thi, chương trình đi thực tế sáng tác, hỗ trợ xuất bản theo kiểu truyền thống. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phải cởi mở thêm nhiều hoạt động khác, cũng như kiến tạo thêm các diễn đàn có tính chất đối thoại, chia sẻ để những người đi trước, những người làm công tác hội nghề, cơ quan quản lý có nhiều dịp lắng nghe người trẻ, đón nhận những sáng kiến, gợi mở của họ và hiện thực hóa mong muốn của họ”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bày tỏ.

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, hiện Bộ đang triển khai đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030, trong đó có lĩnh vực lý luận và sáng tác văn học. Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực tổ chức các trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi, hoạt động giới thiệu tác phẩm của tác giả trẻ, đồng thời đang nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động văn học, tạo đà cho văn học Việt Nam, nhất là văn học trẻ cất cánh, hình thành một lực lượng sáng tác trẻ tài năng, trách nhiệm, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hóa quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo bứt phá cho sáng tác văn học trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.