(HNMCT) - Nhắc tới văn học trẻ, thường có ba xu hướng: Hoặc là cổ vũ, ủng hộ và tán dương những tìm tòi đổi mới; hoặc là băn khoăn, nghi ngại và chờ đợi; hoặc là lo lắng, thậm chí phủ định. Vậy văn học trẻ đang vận động ra sao? Nên có cái nhìn thế nào để khách quan hơn với những người viết trẻ?
Chuyển động tích cực
Cứ 5 năm một lần Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc. Còn ở Thủ đô thì có Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội. Đây là những dịp cho các cây viết trẻ trên mọi miền đất nước được gặp gỡ, giao lưu. Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra vào năm 2022, được cho là có số lượng đại biểu đông nhất so với hai kỳ trước đó với 119 tác giả trẻ tham dự. Và theo thông tin từ Ban tổ chức thì con số đó chưa phải là toàn bộ số tác giả xứng đáng có mặt tại cuộc hội ngộ ấy. Điều này, phải chăng là một tín hiệu vui về bức tranh người trẻ đi theo văn chương?
Người viết văn dưới 35 tuổi được coi là trẻ. Vậy văn học trẻ Thủ đô hiện nay đang có những cái tên nào có thể nhắc tới? Đó là những cây viết trẻ vẫn luôn "giữ nhiệt" và để lại dấu ấn riêng trong từng tác phẩm như Lữ Mai, Đinh Phương, Lý Hữu Lương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Cao Nguyệt Nguyên, Hiền Trang, Đức Anh, Nhật Phi, Phạm Giai Quỳnh, Nam Thiên Phú...
Thực tế là trong cuộc hòa nhập toàn cầu hóa, thế giới phẳng với sự cộng hưởng to lớn từ internet, các nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú. Khác với các thế hệ đi trước, lớp trẻ hiện nay được tiếp nhận thông tin đa chiều, điều kiện công bố tác phẩm được mở rộng và thuận lợi hơn. Và vì thế, trong thế giới sáng tạo của các nhà văn trẻ, hơi thở thời đại hiện ra rõ rệt qua lối viết, cách lựa chọn đề tài cũng như cách xây dựng quan điểm, cá tính nhân vật. Đó là Lữ Mai tinh tế trong cảm xúc thơ; là một Đinh Phương luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới khi viết truyện lịch sử; là Nguyễn Thị Kim Nhung với những suy tưởng xuyên không - thời gian; Hiền Trang mới lạ ở những tác phẩm vượt khung biên giới; hay như Đức Anh và Nhật Phi dẫn người đọc bước lên từng bậc thang hư cấu của thế giới giả tưởng...
Tại buổi tọa đàm mang chủ đề "Sức xuân trong văn học trẻ Hà Nội" do Hội Nhà văn Hà Nội vừa tổ chức, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã nêu vấn đề đáng suy ngẫm: “Việc đọc nhau, mở rộng vốn đọc là điều vô cùng quan trọng và cần thiết của người sáng tác". Không ít người viết trẻ ở Hà Nội hiện vẫn âm thầm viết, xuất hiện trên các chuyên trang văn chương trong và ngoài nước cũng như âm thầm ra sách rồi khiến không ít nhà phê bình thấy ngỡ ngàng, thích thú khi tình cờ bắt gặp. Điều thú vị là họ luôn có sự kết nối văn chương nhưng lại không tham gia một hội nhóm chính thức nào về văn học. Đó là những cây viết lặng lẽ như Tru Sa gây ấn tượng về một “thế giới trong bao” (nhà phê bình Thụy Khuê), là Nguyễn Thị Thúy Hạnh kết hợp giữa “tri thức văn hóa chiều sâu và đời sống thế tục hiện thời” (nhà phê bình Văn Giá), là hai tác giả Phạm Thu Hà và Maik Cây bước ra từ Văn học tuổi 20 lần thứ 6...
Bầu trời văn chương của thế hệ mới
Theo cách nhận diện thế hệ dựa trên cơ sở nghiên cứu về đặc điểm văn hóa, thời đại thì những người viết văn trẻ sinh sau năm 1987 hiện nay thuộc 2 thế hệ: thế hệ Y (sinh năm 1980 - 1994) và thế hệ Z (1995-2012). Thế hệ Y nói chung trên thế giới còn được gọi là “thế hệ lo âu”. Mang sự tự tin, nhanh nhẹn là thế hệ Z.
Nền tảng văn hóa, vốn tri thức cũng như thời đại sinh sống của tác giả là yếu tố quan trọng trong sáng tác. Văn học trẻ hiện nay là bầu trời của những gương mặt thuộc thế hệ 1987 trở về sau này. Họ có cơ hội được đọc nhiều, tiếp cận thông tin đa ngôn ngữ nhưng không tránh khỏi những trăn trở mang dấu ấn thế hệ.
Tại sao người viết trẻ bây giờ thường loay hoay với những nỗi niềm riêng tư mà không đi tới vấn đề lớn lao hơn của đất nước? Đó hẳn là một câu hỏi lớn mà dường như cũng là cách nhìn nhận của người đi trước với thế hệ sau. Thực vậy, loay hoay với những nỗi niềm cá nhân, chật vật trong nỗi hoài nghi trong các mối quan hệ, trong cuộc sống là đặc điểm nổi bật của thế hệ Y. Dám bày tỏ quan điểm cá nhân và đón đầu các xu hướng là dấu hiệu nhận biết của thế hệ Z. Ở Ireland có một tác giả sinh năm 1991 được gọi tên “nhà văn tiêu biểu cho thế hệ Y”, đó là Sally Rooney. Các tác phẩm của cô chỉ xoay quanh mối quan hệ bạn bè, yêu đương cùng những bất ổn tâm lý... Những chuyện tưởng như tủn mủn, riêng tư và nhỏ nhặt ấy hóa ra lại được đông đảo độc giả đón nhận và đồng cảm sâu sắc. Điều này rất đáng để suy ngẫm.
Văn chương với nhiều lối tiếp cận và cũng dung chứa nhiều cách thể hiện khác nhau để cùng đi tới đích chân - thiện - mỹ. Có những tác phẩm, tác giả phải sau một thời gian dài, có thể qua nhiều thế hệ mới được lịch sử văn học thừa nhận. Vì vậy, chắc hẳn rằng người viết trẻ luôn có một con đường dài phía trước để không ngừng sáng tạo và thử thách mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.