Văn nghệ

Con đường nào cho văn học trẻ Đông Nam Á hội nhập?

Nguyễn Lệ Chi 06/08/2023 - 13:51

Vừa qua, một chương trình về văn học trẻ Đông Nam Á đã được tổ chức tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với sự tham gia của 16 nhà văn/dịch giả đến từ 8 quốc gia Đông Nam Á cùng nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ Trung Quốc.

638263950550261786-12_van-h.jpg
Đoàn nhà văn, dịch giả Asean đi thăm một ngôi làng thuộc thành phố Quế Lâm, Trung Quốc.

Con đường nào cho văn học trẻ Đông Nam Á hội nhập, đó là nỗi trăn trở của dịch giả Nguyễn Lệ Chi, người đã có hơn 25 năm tham gia công tác dịch sách văn học Trung - Việt và hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam. Hànộimới Cuối tuần trân trọng giới thiệu bài viết về vấn đề này của dịch giả Nguyễn Lệ Chi.

Từ lâu, chúng ta đã biết văn chương Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, văn chương Đông Nam Á vẫn mang sắc thái riêng mà điểm chung là có nền văn học dân gian rất phong phú và đa dạng về thể loại như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện trạng...

Nhiều người cho rằng, dựa vào điểm chung này để phát triển văn học hội nhập khu vực thì sẽ dễ tìm kiếm tiếng nói chung, sự đồng cảm và chia sẻ của độc giả trong khu vực. Điều này là một phần nguyên nhân lý giải vì sao văn học Trung Quốc dễ được độc giả các nước Đông Nam Á tiếp nhận, thấu hiểu, yêu thích. Sự đồng cảm sẽ giúp quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học trở nên dễ dàng hơn, giúp người đọc không bị hiểu sai, hiểu nhầm ý của tác giả.

Song, nếu văn học Trung Quốc phát triển mạnh ở Việt Nam thì trong vòng 10 năm trở lại đây, việc xuất bản các tác phẩm văn học Đông Nam Á tại Việt Nam đếm được trên đầu ngón tay, thường chỉ là một vài cuốn truyện tranh văn học dân gian Malaysia, Indonesia hay hiếm hoi vài tác phẩm văn học Thái Lan như “Đằng sau bức tranh”, “Nghiệt duyên”, “Chai thời gian”.

Nhằm thúc đẩy việc giới thiệu và giao lưu văn học giữa Việt Nam - Thái Lan, từ năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thái Lan đã triển khai dự án Hợp tác văn học Thái Lan - Việt Nam. Kết quả của dự án này là Tuyển tập văn học “Bông sen trong dòng chảy văn học” dày gần 800 trang, tập hợp 10 tác phẩm thơ, 20 truyện ngắn của các nhà văn, nhà thơ đương đại tiêu biểu của hai nước được in bằng 3 thứ tiếng: Việt, Thái Lan và tiếng Anh. Các tác phẩm đều có giá trị nghệ thuật cao, giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa của hai đất nước.

Có thể nói, việc hội nhập văn học Đông Nam Á ngay tại chính các nước Đông Nam Á vẫn còn rất chậm chạp. Như tác phẩm đầu tay “Beauty is a Wound” của nhà văn Eka Kurniawan (Indonesia), được dịch sang tiếng Anh vào năm 2015, đón nhận hàng loạt phê bình đầy ngợi khen, nhưng phải tới 5 năm sau khi đoạt giải, tác phẩm này mới được xuất bản tại Việt Nam với tên gọi “Đẹp là một nỗi đau”.

Thực tế, dẫu chưa được biết đến rộng rãi ở phương Tây nhưng văn chương hiện đại của Đông Nam Á đã sản sinh ra những tác phẩm xuất sắc, động chạm đến những chủ đề lớn lao của nhân loại. Không ít tác phẩm đã cho độc giả được trải nghiệm lịch sử đầy biến động, phóng chiếu từ số phận của mỗi nhân vật, nơi các nhà văn triển khai những âm hưởng của di sản dân tộc để trình hiện lại cái thế giới hậu thực dân đầy đau thương.

Tiểu thuyết “The Garden of Evening Mists” của nhà văn Tan Twan Eng (Malaysia) được trao giải Man Asian Literary Prize năm 2012, hay tác phẩm “Spider Boys” của nhà văn Ming Cher (Singapore) thành công vang dội trên thế giới, cả hai đến nay vẫn chưa được xuất bản tại Việt Nam.

Không thể không thừa nhận rằng, các hoạt động hội nhập văn học Đông Nam Á vẫn chưa nhiều để tạo nên cơn sóng lớn trên dòng chảy hội nhập. Từ sau khi Việt Nam tham gia vào khối ASEAN (năm 1995), nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi của Việt Nam đã được nhận giải thưởng văn học ASEAN, tuy nhiên, chưa chắc tác phẩm của họ được dịch và giới thiệu rộng rãi tại các quốc gia Đông Nam Á.

Ngược lại, đối với các tác giả Đông Nam Á từng đoạt giải văn chương Đông Nam Á cũng vậy, cũng chưa có sách được xuất bản tại Việt Nam. Điều đó cho thấy sự cần kíp phải tăng cường thúc đẩy quá trình hội nhập văn chương khu vực Đông Nam Á để có thể đưa các tác phẩm hay tới gần độc giả mỗi nước.

Hội nhập văn chương Đông Nam Á không có gì hiệu quả hơn bằng việc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các nước, đồng thời triển khai mạnh mẽ các dự án dịch thuật, xuất bản văn chương đặc sắc của mỗi nước. Quá trình này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ về cả chi phí hỗ trợ dịch thuật, xuất bản lẫn truyền thông... từ chính phủ mỗi nước. Việc liên tục tổ chức các workshop văn chương, workshop dịch thuật cũng là cách hữu ích, có tác dụng lớn đối với các tác giả trẻ, dịch giả trẻ.

Ngoài ra, Hội nhà văn ở các nước nên liên kết tổ chức các khóa đào tạo dành cho dịch giả, tổ chức các trại sáng tác quốc tế, đưa các đoàn nhà văn đi trải nghiệm cuộc sống, tiếp xúc với độc giả ở các nước trong khu vực nhằm giúp họ có cảm xúc mới mẻ, mở rộng tầm nhìn...

Trong tương lai, ở mỗi kỳ tổ chức giải thưởng văn chương, nếu thêm được một số hạng mục giải thưởng tầm cỡ khu vực Đông Nam Á như giải Tác phẩm văn học nước ngoài xuất sắc nhất, giải Phê bình văn học nước ngoài hay nhất... thì sẽ nâng tầm giá trị giải thưởng. Và tất nhiên, đừng quên bổ sung một khu vực đặc biệt chuyên giới thiệu, bán sách văn học Đông Nam Á trong các nhà sách nhằm giúp độc giả mỗi nước quan tâm hơn, quen dần với các tác phẩm này, qua đó thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa - xã hội lẫn nhau, góp phần đưa văn học Đông Nam Á cùng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường nào cho văn học trẻ Đông Nam Á hội nhập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.