Góc nhìn

Đề cao ý thức chấp hành

Hà Trang 12/01/2024 - 06:25

Hiện nay, Công an các địa phương bắt đầu ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Trong khi đó, thay vì nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì trên mạng xã hội rầm rộ xuất hiện các hội, nhóm thông báo vị trí chốt kiểm tra nồng độ cồn của công an nhằm mục đích trốn tránh...

Những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội lan truyền đến “chóng mặt” thông tin về kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Công an thành phố Hà Nội. Về vấn đề này, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội khẳng định, thông tin đó là sai sự thật. Trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, việc Cảnh sát giao thông Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm tài xế có nồng độ cồn và các vi phạm khác là kế hoạch thường ngày.

Nhằm ngăn chặn các hành vi thu thập và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật, thời gian qua, công an các địa phương cũng đã quyết liệt xử lý những vi phạm trên mạng xã hội về việc thông báo vị trí các chốt kiểm soát nồng độ cồn.

Mới đây, Công an huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng một đối tượng về hành vi đăng tải công khai lên trang Facebook cá nhân hình ảnh lực lượng công an đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay đã vô hiệu hóa 18 nhóm Zalo thường xuyên chia sẻ thông tin vị trí các tổ công tác Cảnh sát giao thông với hơn 17.000 thành viên tham gia…

Mặc dù đã bị xử lý nhiều như vậy, nhưng ngày 11-1-2024, phóng viên thử tìm kiếm trên Facebook thì thấy còn nhiều trang “báo chốt”, “thông chốt” đang hoạt động.

Ví dụ như nhóm “Chốt kiểm tra nồng độ cồn” có 4.500 thành viên tham gia. Mục đích của nhóm là: “Nhằm chia sẻ những chốt 141 và kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn Hà Nội để mấy anh em lỡ uống vài chén muốn về nhà thì tránh những cung đường có chốt cho anh toàn”. Hoặc nhóm “Tránh chốt - Báo chốt” với hơn 1.000 người tham gia, với nội quy là “Anh em nào thấy có XXX, chốt thổi nồng độ cồn ở đâu thì báo cho người trong nhóm để tránh khi cần thiết”…

Theo quy định của pháp luật, hành vi tự ý đưa các video clip hoạt động xử lý vi phạm nồng độ cồn được coi là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cá nhân của người khác. Hơn nữa, việc thông báo hoạt động của Cảnh sát giao thông nhằm né tránh các chốt của lực lượng chức năng, cản trở hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật. Hành vi này khiến cho người sử dụng rượu bia tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia các hội nhóm có hoạt động thông báo vị trí chốt kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông. Mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng mạng internet. Khi phát hiện hành vi phạm pháp trên không gian mạng, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo và được xử lý.

Sẽ chẳng có hội nhóm nào cứu được khi đã vi phạm pháp luật. Chỉ có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật mới là chỗ dựa vững chắc cho mỗi người, giúp bảo đảm an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông trước sự nguy hiểm của “ma men”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề cao ý thức chấp hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.