Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế về phát triển văn hóa

Tiến Thành| 17/12/2022 13:21

(HNMO) - Sáng 17-12, trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022, đã diễn ra phiên chuyên đề với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa. Hội thảo đã nghe nhiều tham luận của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tham luận.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm

Trình bày tham luận “Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”", Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn.

“Đảng khẳng định, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa. Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề.

Cùng với đó, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá; cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ thông qua nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước song hành cùng trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa. Ngoài ra, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) tham gia thảo luận bàn tròn.

Cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế, nguồn lực

Thảo luận bàn tròn tại phiên thảo luận chuyên đề, về giải pháp triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2030, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng cần tập trung thảo gỡ 5 nhóm giải pháp căn cơ, mà đầu tiên là tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, hiện việc thể chế hóa đường lối, chủ trương phát triển văn hóa còn chậm và chưa phù hợp với thực tế. Cùng với đó là vướng mắc về các nguồn lực, như nhân lực, tài chính..., cần có cơ chế huy động doanh nghiệp, hợp tác công tư…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Về cơ chế quản lý tiền kiểm - hậu kiểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa, trong đó hậu kiểm thông qua các quy định để nghệ sĩ biết mình có thể làm gì và không nên làm gì, giúp tăng cường trách nhiệm của nghệ sĩ đối với sản phẩm của mình và giúp sản phẩm hàng hóa nhanh đến với thị trường hơn, có được những sản phẩm phù hợp với xã hội.

“Chúng ta tiến hành hậu kiểm, nhưng không có nghĩa là không tiền kiểm, tiền kiểm bằng các quy định có từ trước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Đối với vấn đề Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới có rất nhiều tiêu chí, cấu phần liên quan đến văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, thực tế nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng một Bộ tiêu chí chung cho cả nước, cho tất cả các cộng đồng, cho tất cả các tộc người sẽ có nguy cơ khiến các hệ thống tri thức bản địa, tri thức địa phương của một số vùng, các tộc thiểu số và các địa phương bị mất đi trong quá trình thực hiện các tiêu chí đó. “Đây là một điều thực sự rất đáng tiếc khi chúng ta nhìn về văn hóa nông thôn, văn hóa các cộng đồng thiểu số”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nêu quan điểm.

Thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan quy định rõ hơn, chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới.

Nhạc sĩ Quốc Trung.

Thảo luận bàn tròn, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để làm một sản phẩm, sự kiện âm nhạc lớn, mang tầm quốc tế có chất lượng, bên cạnh sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, việc tổ chức vẫn còn khó khăn về thủ tục hành chính. Chính vì vậy, nhạc sĩ Quốc Trung hy vọng qua hội thảo này, sẽ có thay đổi về thể chế, về chính sách hỗ trợ các sự kiện văn hóa, âm nhạc.

Thông tin tại phiên thảo luận, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm cho biết, hiện mới có 5/9 lĩnh vực văn hóa Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có luật để điều chỉnh. Vì vậy, Bộ đang có lộ trình cụ thể để từ nay đến năm 2026 hoàn thiện thể chế pháp luật về văn hóa.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm phát biểu.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, một số lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm chưa có luật để điều chỉnh, mà vẫn điều chỉnh bằng nghị định. Lộ trình từ nay đến năm 2026, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến sẽ xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến xây dựng Luật nghệ thuật trình diễn, Luật Mỹ thuật sửa đổi và một số văn bản có liên quan khác. “Với quyết tâm như vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật, điều chỉnh trực tiếp các lĩnh vực văn hóa sẽ được thực hiện”, ông Lê Thanh Liêm nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin, về cơ chế, chính sách cho văn hóa, hiện nay, ngân sách nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, huy động được nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này.

“Luật Đầu tư mới có ưu đãi cho bảo tồn văn hóa, còn chưa có ưu đãi cho các ngành văn hóa khác. Sắp tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này”, ông Trần Duy Đông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế về phát triển văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.