Việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” cho thấy sự quyết liệt của thành phố trong việc tập trung sự chỉ đạo và nguồn lực để đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong chỉ thị khi vận dụng vào đời sống.
Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị
- Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, ông đánh giá như thế nào nội dung, ý nghĩa chỉ thị này?
- Tôi cho rằng, Chỉ thị được ban hành đúng thời điểm, bởi Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội và cũng có nhiều thách thức trong lĩnh vực này. Chỉ thị dù nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập nhưng không giới hạn vào một nội dung cụ thể nào, mà nói đến những giá trị của văn hóa Thăng Long - Hà Nội kết tinh hàng nghìn năm, nghĩa là nói đến những giá trị tinh hoa đã tỏa sáng, dẫn dắt và góp phần làm nên bản lĩnh văn hóa Hà Nội, là yếu tố dẫn đường cho văn hóa dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.
Chỉ thị chỉ ra nhiều điểm đã làm được và những điều chưa thành công từ công tác chỉ đạo, lãnh đạo đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong một thời gian dài và yêu cầu đổi mới công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đề cập từ nhận thức đến trách nhiệm của các cấp ủy, đoàn thể, tổ chức, cá nhân. Chỉ thị xác định lấy gia đình làm nền tảng, lấy nhà trường và các đơn vị công tác là môi trường để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng con người, phát triển văn hóa, hướng tới những giá trị mang ý nghĩa dẫn đường.
Như vậy, trách nhiệm cá nhân, đơn vị đã được xác định rõ. Đó là căn cứ để triển khai thực hiện và tổng kết, đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Nhận thức văn hóa là nhận thức để phát triển. Nhận thức những điểm nghẽn và giải tỏa những điểm nghẽn là để phát triển đúng hướng và hiệu quả hơn.
- Thành phố Hà Nội luôn xác định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, coi đây là động lực, nguồn lực quan trọng phát triển Thủ đô. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Chất thanh lịch, văn minh là nét trội của văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua hàng nghìn năm. Nó thuộc về phạm trù những giá trị tinh hoa của con người và văn hóa hướng tới sự hoàn thiện. Nhưng đây không đơn giản là những phẩm chất trong ứng xử của cá nhân, của cộng đồng. Nó mang ý nghĩa rộng hơn nhiều. Đó là giá trị thuộc hàng tinh túy, tinh hoa, nghĩa là nó ở đỉnh cao, rất cần đến sự cố gắng, phấn đấu mới đạt được. Đó không phải thứ mà mọi người dân - dù là dân Hà Nội, hễ muốn là có được. Cần nhận thức đúng điều này.
Nếu đem những cái tinh hoa ấy làm đích phấn đấu của xã hội, là động lực, là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô thì là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu ấy, trong tổ chức thực hiện lại “phổ biến hóa”, “đại chúng hóa” những phẩm chất tinh hoa một cách cứng nhắc thì không dễ thành công.
- Nhiều năm qua, ngành Văn hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ban hành chương trình hành động, mô hình văn hóa... Từng là người quản lý và nghiên cứu văn hóa Hà Nội, ông có nhận xét gì về những mô hình này?
- Những chỉ thị, nghị quyết, phong trào, những mô hình văn hóa… đã thực hiện là những việc cần làm để hướng tới mục đích. Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được, nhưng cá nhân tôi vẫn chưa thỏa mãn.
Làm văn hóa rất cần phong trào, nhưng phong trào văn hóa phải trở thành nhu cầu nội tại của sự phát triển văn hóa, phải từ chiều sâu của đời sống; cần tránh cách làm mang tính áp đặt, làm lấy được, làm để chứng tỏ với xã hội là có làm. Cái gì chỉ là bề ngoài, không cần thiết sẽ bị đào thải. Cái gì cuộc sống thực sự cần, nó sẽ tồn tại. Giá trị văn hóa đích thực thì cần thiết và mỗi cá nhân, tổ chức đều âm thầm thực hiện vì nó cần cho mình như không khí để thở. Tôi nghĩ xã hội đã nhận ra điều ấy và đang điều chỉnh.
Kiên trì, bền bỉ, thường xuyên
- Trong Chỉ thị số 30-CT/TU, Thành ủy thẳng thắn chỉ ra việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ông có thể nói thêm về điều này?
- Tôi nhận thức được chỉ thị của Thành ủy đã có những đánh giá đầy đủ, mang ý nghĩa nhận thức lại những vấn đề, công việc, kết quả đã thực hiện khi chỉ ra việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh “chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế”.
Nhận thức rõ bản chất, đối tượng thì chủ trương, kế hoạch, mục tiêu sẽ cụ thể và không gây ra những lúng túng. Chúng ta cần làm rõ yếu tố thanh lịch, văn minh trong hệ giá trị truyền thống của văn hóa Hà Nội và văn hóa Việt giữ vị trí thế nào trong chiều dài lịch sử dân tộc. Lâu nay, người ta thường chỉ nhìn các yếu tố ấy như nét đẹp trong cách ứng xử của người Hà Nội. Điều này là đúng, nhưng chưa đủ.
Cần nhìn nó như một yếu tố mang ý nghĩa biểu tượng về giá trị văn hóa tinh hoa. Như vậy, mới thấy được vai trò, vị trí dẫn đường, hướng đạo xã hội của nó, kêu gọi con người sống với nhau tử tế, nhân văn và đẹp hơn. Nếu chỉ coi mấy yếu tố ấy như một nét đẹp trong ứng xử thì sẽ làm giảm ý nghĩa vốn có của một biểu tượng.
- Trong chỉ thị, một trong những nội dung được đặc biệt nhấn mạnh trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nêu cao vai trò làm gương của người đứng đầu các cấp ủy Đảng. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi không nghiên cứu về chuyện này nên cũng chỉ nói cảm nhận thôi. Hà Nội là nơi hội tụ nhiều cơ hội và cũng nhiều thử thách nhất cho bất kỳ ai, làm bất cứ nghề gì. Phở, bún, bánh, đồ ăn, đồ mặc… do người tứ xứ đem vào Hà Nội. Nhưng được sàng lọc, qua cạnh tranh, những đồ ăn ngon nhất, đồ tiêu dùng đẹp nhất, tinh tế nhất đều có mặt ở Hà Nội. Nó thể hiện tính trội của văn hóa Hà Nội.
Dù không phải người Hà Nội gốc nhưng nhiều người đã trở thành danh nhân văn hóa vì họ thấm được và trở thành biểu tượng cho tinh túy văn hóa Hà Nội, lan tỏa những phẩm chất hơn người của Hà Nội. Họ không tự làm gương cho người khác soi nhưng cuộc đời họ, phẩm chất của họ, tài năng của họ trở thành những tấm gương lớn. Họ tu thân, giữ mình, sống đẹp vì chỉ có như thế họ mới xứng đáng với địa vị của họ. Người đứng đầu muốn trở thành gương tốt thì phải cố gắng phấn đấu trở thành tinh hoa trong đời sống, việc làm, ứng xử… Như vậy, họ sẽ trở thành gương soi cho mọi người. “Hữu xạ tự nhiên hương”, điều này ai cũng biết.
- Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên. Để Chỉ thị số 30-CT/TU đi vào cuộc sống, thành phố Hà Nội cần thực hiện những giải pháp gì trước mắt và lâu dài, thưa ông?
- Đúng như chỉ thị đã nêu, không thể nôn nóng, vội vàng trong tất cả mọi việc. Với văn hóa lại càng cần đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, vừa làm vừa điều chỉnh… Bởi văn hóa luôn vận động, gắn với tiến trình xã hội. Từ trong bộn bề công việc phải chọn được đường hướng chính rồi lại phải điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn, kiên định hướng tới mục tiêu cuối cùng. Mỗi giai đoạn trong cả quá trình có những vấn đề của nó, có những nội dung, nhiệm vụ riêng.
Nhìn bề ngoài tưởng chừng văn hóa ở trạng thái tĩnh nhưng thực ra nó động. Mỗi tổ chức, ngành nghề, mỗi tầng lớp, đội ngũ… có chức năng nhiệm vụ riêng nhưng đều giống nhau ở mục đích hướng đến. Các cấp cần nhận thức rõ sự khác biệt này để có những chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính xác, hiệu quả. Truyền thống văn hóa là do cá nhân và cộng đồng bồi đắp nên nhưng vẫn cần có chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Đây chính là vai trò của thể chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.