(HNM) - Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế vào thị trường trọng điểm, truyền thống, thị trường mới có tiềm năng… được TP Hà Nội tập trung thực hiện thời gian qua.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Gia Phương cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, HPA liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại với đối tác nước ngoài, thông qua các hội chợ quốc tế có quy mô lớn. Đáng kể như hội chợ Thailand Manufacturing Expo 2017 với chủ đề “Hành trình hướng tới ngành công nghiệp 4.0”; M-Fair Nhật Bản 2017; Tuần hàng Việt Nam tại Italia và Philippines; Triển lãm quốc tế quà tặng, hàng cao cấp và đồ gia dụng thủ công mỹ nghệ lần thứ 36 tại Bắc Kinh (Trung Quốc)...
Trong 4 ngày tham dự hội chợ Thailand Manufacturing Expo 2017, khu gian hàng triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của TP Hà Nội đã thu hút hơn 2.400 lượt khách tham quan, giao dịch; 20 thỏa thuận, hợp đồng được ký kết, với trị giá khoảng 1,5 triệu USD. Riêng Công ty TNHH Phong Châu đã có thỏa thuận ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Whirpool (Thái Lan), cung cấp 150.000 giá đỡ thực phẩm trong tủ lạnh mỗi năm, giá trị ước tính 1 triệu USD; với Công ty TNHH NISES (Thái Lan) cung cấp chi tiết linh kiện ô tô, giá trị hợp đồng ước tính 100.000 USD…
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc HPA, khách hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là các tập đoàn lớn. Do vậy, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại, tổ chức tham gia triển lãm quốc tế giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin, tiếp cận khách hàng trực tiếp và tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới. Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp đánh giá đây là hoạt động rất hữu ích, không mất nhiều thời gian, chi phí để gặp gỡ, đàm phán với đối tác như xúc tiến thương mại đơn lẻ do doanh nghiệp tự thực hiện.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận, thâm nhập mạng phân phối nước ngoài, trước mắt là các đơn vị đã có mặt tại thị trường Việt Nam, như Big C, Aeon… HPA đã tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp thành phố với các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối của hệ thống phân phối và người tiêu dùng. Hiện, lượng hàng Việt vẫn chiếm chỗ đứng đáng kể tại các siêu thị lớn.
Theo ông Oyama Nagahisa, Trưởng đại diện Tập đoàn Aeon Nhật Bản tại Việt Nam, để hàng Việt Nam thâm nhập vào các chuỗi siêu thị lớn ở nước ngoài thì các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, môi trường, xuất xứ… đòi hỏi khắt khe hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có hiểu biết về các quy định chất lượng hàng hóa, vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học… từ đó thiết lập hệ thống kiểm soát, thường xuyên đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn đặt ra.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hà Nội đẩy mạnh xuất khẩu, trong thời gian tới, HPA sẽ tiếp tục làm việc, liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài tại Việt Nam, như Aeon, Central Group, Lotte… Cùng với đó, HPA nghiên cứu tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị một số nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, phương thức đóng gói, vận chuyển, thuế…, từ đó doanh nghiệp có chiến lược phát triển phù hợp với tiến trình hội nhập, có chiến lược xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.