Thành phố Hà Nội vừa trao giấy chứng nhận 544 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2023 cho các chủ thể. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố đã có 2.711 sản phẩm OCOP được chứng nhận, dẫn đầu cả nước.
Cùng với đó, Hà Nội đang nỗ lực trở thành địa phương tiên phong trong xuất khẩu sản phẩm OCOP...
Điểm sáng của cả nước
Nằm trong vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm của thành phố, từ năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) đã có 14 sản phẩm dự thi và được chứng nhận OCOP. Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Mai cho biết, từ khi được chứng nhận, doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng của thành phố và huyện hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất hoàn thiện, an toàn. Hiện, sản phẩm sữa và chế biến từ sữa của Công ty đã được tiêu thụ rộng khắp trên cả nước và còn vươn sang thị trường nước bạn như Lào... Kết quả doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước 20-30%.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm OCOP, trở thành điểm sáng và đi đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đã khẳng định vị trí tại thị trường trong nước, bước đầu vươn ra thế giới. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế, khá nhiều sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 4-5 sao của thành phố như: Sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm); miến dong Minh Dương của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì... đã xuất khẩu đến hàng chục quốc gia.
Khẳng định sản phẩm OCOP của Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh trên thị trường thế giới, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin thêm: Tháng 12-2023, lần đầu tiên, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tham gia gian hàng OCOP tại thành phố Milan (Italia). Sau sự kiện này, đối tác nước ngoài đã tìm đến Hà Nội để kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Tạo sức bật cho xuất khẩu
Tuy đạt nhiều kết quả khả quan nhưng để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn phải tiếp tục khắc phục hạn chế. Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhận xét: “Qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, chúng tôi nhận thấy nhiều sản phẩm bao bì vẫn đơn giản; câu chuyện sản phẩm còn sơ sài, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương; chủ thể OCOP chưa biết xúc tiến thương mại...”.
Tại hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2023 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều chủ thể OCOP mong muốn được thành phố quan tâm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến. Từ đó, sản phẩm của địa phương có cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường ra quốc tế.
Còn Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến cho rằng, sản phẩm OCOP đã có chỗ đứng tại thị trường trong nước thì hoàn toàn có thể vươn tầm ra thế giới. Ông Nguyễn Minh Tiến gợi mở cho các chủ thể OCOP: "Vấn đề quan trọng là phải biết kể câu chuyện sản phẩm như thế nào, phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm, phải hiểu được tâm lý, nhu cầu tiêu dùng của thế giới... từ đó, "sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có. Do vậy, rất cần sự tương tác giữa các làng nghề truyền thống, các chủ thể OCOP với thị trường thế giới để có ứng dụng phù hợp trong sản xuất".
Để hỗ trợ, năm 2024, Bộ NN&PTNT lựa chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu để thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập huấn cho chủ thể OCOP về quản trị kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì, định vị thị trường, mở kênh bán hàng…
Giám đốc kinh doanh, phân phối Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Thế Anh thông tin, đơn vị đang quản lý sàn thương mại Buudien.vn (tên cũ là Postmart) - chuyên về sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Sàn giao dịch này đã đưa 7.157 sản phẩm OCOP của 63 tỉnh, thành phố lên sàn (đạt gần 70% tổng sản phẩm OCOP của cả nước). Hà Nội hiện có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước, nhiều sản phẩm OCOP là đặc sản, mang đậm văn hóa đặc trưng địa phương.
"Mới đây, chúng tôi đã ký hợp tác ghi nhớ với Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội về việc tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử Buudien.vn… Chúng tôi cũng đang hợp tác, liên kết với một số sàn thương mại điện tử khác để đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu", ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để đưa nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội tiếp cận nhiều hơn thị trường quốc tế so với hiện nay, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng thiết kế mẫu mã; hỗ trợ các chủ thể nói riêng và làng nghề nói chung; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại... Từ đó, giúp sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Hà Nội mong muốn sản phẩm OCOP của thành phố không chỉ đại diện cho Thủ đô mà còn là sản phẩm tiên phong của Việt Nam khi “xuất ngoại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.