(HNM) - Kết thúc quý I-2018, toàn ngành Hải quan thu ngân sách nhà nước được 68.027 tỷ đồng, đạt 23,2% chỉ tiêu phấn đấu năm 2018, giảm 2,16% so với cùng kỳ năm 2017.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, với dự toán pháp lệnh thu ngân sách nhà nước được giao năm 2018 là 283.000 tỷ đồng và chỉ đạo phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so với dự toán của Bộ Tài chính, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh chống thất thu ngân sách nhằm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hà Nội. Ảnh: Nhật Linh |
- Số thu ngân sách quý I-2018 do ngành Hải quan thực hiện đã giảm 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Ông đánh giá thế nào về con số này?
- Thống kê của ngành Hải quan cho thấy, số thu ngân sách 3 tháng đầu năm 2018 giảm 2,16%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng có thuế đạt 23,4 tỷ USD, tăng 7,73% so với cùng kỳ năm 2017, đáng chú ý là xăng dầu, với số thu đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ đồng. Nhờ mức tăng này đã giúp kìm hãm đà giảm thu xuống còn 2,16%, do nhiều mặt hàng đã thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập quốc tế.
Chủ động sớm từ thực tế này, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 555/CT-TCHQ (ngày 26-1-2018) về việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018, với các giải pháp đồng bộ và cụ thể đến từng cục hải quan các tỉnh, thành phố. Mục tiêu đầu tiên là yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa. Chỉ thị được ban hành sớm hơn một tháng so với năm 2017 đã cho thấy rõ quyết tâm của lãnh đạo tổng cục trong việc phấn đấu thu đạt chỉ tiêu được giao với các giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm. Tổng cục Hải quan cũng đã giao chỉ tiêu phấn đấu thu, chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu, yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu, chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu ngân sách nhà nước.
- Công tác chống thất thu ngân sách nhà nước luôn được ngành Hải quan triển khai song song với nỗ lực hoàn thành dự toán thu ngân sách. Vậy, ngành Hải quan triển khai công tác này ra sao, thưa ông?
- Về các biện pháp chống thất thu, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên, kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng những đơn vị khai báo giá thấp, đột biến. Đặc biệt, cơ quan Hải quan sẽ tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra về trị giá, mã số... đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch nhập khẩu lớn, tần suất nhập khẩu nhiều.
Trong năm 2018, thuế suất, thuế nhập khẩu theo các hiệp định tự do thương mại (FTA) cắt giảm mạnh. Cơ quan Hải quan sẽ tập trung nguồn lực kiểm tra các điều kiện đối với hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các FTA, trong đó chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa (C/O), chủ động xác minh, làm rõ các trường hợp nghi vấn gian lận xuất xứ, tránh trục lợi, gian lận thương mại gây thất thu ngân sách…
- Chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan thực hiện năm 2018 khá cao. Vậy, những giải pháp nào sẽ được ngành thực hiện để “cán đích” đúng hạn và hoàn thành nhiệm vụ được giao?
- Năm 2018, Tổng cục Hải quan được giao dự toán pháp lệnh thu ngân sách 283.000 tỷ đồng và được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so với dự toán. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu sụt giảm do nhà nước thực hiện cắt giảm thuế theo các FTA, hay việc giảm thu từ mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu... Để đạt được chỉ tiêu phấn đấu về thu thuế xuất nhập khẩu, trong năm 2018, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng hàng không trên toàn quốc, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 trên diện rộng.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã triển khai Quyết định số 2722/QĐ-BTC (ngày 29-12-2017) về việc áp dụng thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển, cảng hàng không do Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý từ đầu tháng 1-2018. Trên cơ sở áp dụng thành công tại các đơn vị này, sẽ nhân rộng ra các cục hải quan tỉnh, thành phố quản lý cảng biển, cảng hàng không lớn trên cả nước trong năm 2018.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.