Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi tham nhũng, xây dựng bộ máy trong sạch

13/02/2018 07:24

(HNM) - Tình trạng tham nhũng ở nước ta diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Một buổi quán triệt học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng bộ huyện Sóc Sơn (Hà Nội).


Những kết quả tích cực


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện và dự báo về nguy cơ, tác hại của các tệ nạn, tiêu cực xã hội gắn với Nhà nước, với người có chức, có quyền. Những bệnh này thường được Người diễn đạt bằng thuật ngữ “bất liêm”, ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng. Người chỉ rõ: Tham ô, lãng phí có tác hại rất lớn, là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, "kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ".

Đảng ta nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ". Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng chỉ rõ, tham nhũng là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, cần thường xuyên thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường quán triệt, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những đảng viên tham nhũng, dù đó là đảng viên thường hay đảng viên có chức, có quyền ở bất cứ cương vị nào.

Điều này được thể hiện rõ trong kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm với hơn 3.600 tổ chức Đảng và gần 10.400 đảng viên. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 300 tổ chức Đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức Đảng.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng. Qua kiểm toán đã kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 15.222 tỷ đồng; chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Phải bắt đầu từ công tác cán bộ


Thực tiễn cho thấy, phần lớn các vụ tham nhũng đều gắn liền với những người có chức, có quyền, có vị thế trong bộ máy công quyền. Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Công tác cán bộ, từ đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển... phải đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan.

Cùng với đó, để khơi dậy và phát huy tính tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người dân trong việc tố giác hành vi tham nhũng. Phải nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, để nhân dân tham gia kiểm soát toàn bộ các hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, đội ngũ, cán bộ nói riêng. Để các cơ quan báo chí phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng phải hỗ trợ cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện được chức năng của mình theo đúng Luật Phòng, chống tham nhũng.

“Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) cũng như các chủ trương, giải pháp về đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Với quyết tâm chính trị và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi tệ nạn này khỏi đời sống xã hội, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương
(Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi tham nhũng, xây dựng bộ máy trong sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.