(HNM) - Sự kiện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) kết nối thành công trên mạng 5G tại Hà Nội trong tháng 5-2019 đã đưa Việt Nam trở thành một trong số quốc gia đi đầu trên thế giới thử nghiệm mạng 5G. Việc này không chỉ phục vụ khách hàng, mà còn là sự đầu tư cho hạ tầng công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi thử nghiệm kết nối lần đầu tiên trên mạng 5G tại Hà Nội vào trung tuần tháng 5-2019, ngày 9-8-2019, Viettel phối hợp với đối tác Ericsson (Thụy Điển) tiếp tục thử nghiệm mạng 5G ở thành phố Hồ Chí Minh. Khác với lần thử nghiệm có tính chất kỹ thuật tại Hà Nội, lần này, Viettel đã phát sóng tới 10 trạm 5G tại phường 12 (quận 10, thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với đó, ngày 12-9, Viettel phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT (công nghệ dành cho thiết bị kết nối internet vạn vật), phủ kín 100% địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đầu tiên được phủ sóng IoT. Viettel cũng sẽ phủ sóng công nghệ NB-IoT trên toàn bộ khu vực Hà Nội với 1.000 trạm (đang phát sóng gần 500 trạm).
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), VNPT ban đầu dự kiến thử nghiệm 5G tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9-2019. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục nhập khẩu thiết bị, nên kế hoạch tạm thời lùi lại. Dự kiến, tháng 12-2019, Tập đoàn sẽ thử nghiệm 6 trạm 5G tại Hà Nội và 6 trạm 5G tại thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng các thiết bị vô tuyến của hai hãng Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển).
Với Tổng công ty Viễn thông MobiFone, nhà mạng này đang chuẩn bị để thử nghiệm 5G vào tháng 10-2019 ở 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, tại thị trường trọng điểm là thành phố Hồ Chí Minh, MobiFone thử nghiệm 5G ở 12 vị trí tại khu vực công cộng (khu công viên ở quận 1, một phần khu đô thị mới tại quận 7).
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, việc các nhà mạng thử nghiệm mạng 5G là một bước đi quan trọng nhằm kiểm tra các vấn đề về kỹ thuật như vùng phủ, thiết lập mạng lõi..., từ đó đưa ra sự tối ưu cho mạng lưới, chuẩn bị cho thương mại hóa sau này. Hiện nay, Cục đã cấp phép sử dụng tần số cho 2 nhà mạng Viettel, MobiFone để triển khai thử nghiệm 5G...
Vậy, 5G sẽ được cung cấp đến khách hàng như thế nào? Theo công bố của Viettel, sau khi thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020, trong giai đoạn đầu Viettel sẽ cung cấp 5G tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ mạng băng rộng di động nâng cao (eMBB) tại các khu công nghiệp, khu đô thị; sau năm 2022 sẽ cung cấp tới khách hàng dùng di động. Đồng thời, Viettel cung cấp hệ sinh thái các ứng dụng về NB-IoT với các dịch vụ đỗ xe thông minh, giám sát chất lượng không khí, giám sát vị trí, thiết bị đo lường…
Theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai mạng 5G phục vụ tại Trường đua xe Công thức 1 (F1), Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Viettel thiết lập hạ tầng mạng 5G tại đây. "Chúng tôi sẽ khảo sát, thiết lập mạng 5G để phục vụ khách hàng quốc tế và trong nước đến dự sự kiện này", ông Tào Đức Thắng cho biết.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 4-9 vừa qua, khi đề ra giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ cần tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai thí điểm hệ thống mạng 5G. Như vậy, để thấy rằng việc các nhà mạng đầu tư 5G đóng vai trò rất quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.