Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển mạng 5G, đồng bộ hạ tầng số

Thanh Hà| 08/03/2023 06:30

(HNM) - Hạ tầng số được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là một trong những nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số cũng là một trong những khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2020-2025) chỉ ra, nhằm tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, việc thúc đẩy, triển khai hạ tầng công nghệ mới, đặc biệt là mạng 5G đã và đang được triển khai.

Các nhà mạng đã đầu tư thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G tại Hà Nội.

Hạ tầng mạng lưới phải đi trước

Từ cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G cho 3 đơn vị: Viettel, MobiFone và VNPT (VinaPhone) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, từ cuối tháng 11, đầu tháng 12-2020, VNPT (VinaPhone) đã cung cấp dịch vụ 5G ở không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận…

Phát triển mạng 5G đồng bộ với hạ tầng số, góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, cũng đã được UBND thành phố Hà Nội đề ra tại Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 27-7-2021 phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch nêu ra các chỉ tiêu cơ bản: Phổ cập mạng 4G, 5G và điện thoại thông minh; 80% các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các cơ sở đào tạo đại học, cơ sở nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch được phủ sóng mạng 5G.

Mới đây nhất, Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ, đến năm 2025, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, an toàn đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đến hết năm 2022, trong tổng số gần 11.000 trạm thu phát sóng (BTS) các loại trên địa bàn, đã có 120 trạm BTS 5G (Viettel có 70 BTS 5G, VNPT có 50 BTS 5G). Các trạm này được đặt trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. 

Về nguyên tắc, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng đầu tư triển khai mạng và dịch vụ 5G theo hướng hạ tầng mạng lưới phải đi trước một bước, hạ tầng mạng phải đủ mạnh để tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng các công nghệ mới.

Phát triển mạng 5G ở khu vực trung tâm

Với tốc độ truy cập internet di động lên đến 1Gbps, gấp 10 lần tốc độ 4G hiện nay, mạng 5G được đánh giá đem lại những trải nghiệm công nghệ, ứng dụng hiện đại, như thực tế ảo (AR/VR), điều khiển robot, cũng như phục vụ cho sản xuất thông minh, phẫu thuật từ xa, xe tự lái...

Đến nay, các nhà mạng Viettel, VNPT (VinaPhone) cam kết sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng mạng lưới, trong đó có mạng 4G, 5G. Phó Giám đốc VNPT Hà Nội (thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) Trần Nam Phương cho biết, ngoài việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, VNPT Hà Nội đang tích cực hợp tác với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Đào Xuân Vũ, mạng 5G dự kiến được triển khai với cấp độ 5.000 trạm BTS vào cuối năm nay, bảo đảm mạng vô tuyến 4G làm chủ đạo và mạng 5G bắt đầu mở rộng đại trà.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho biết: “Để phát triển hạ tầng số, CMC có kế hoạch xây dựng mở rộng trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng. Hà Nội có một đội ngũ các nhà khoa học, trí thức và hệ thống giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đông đảo nhất cả nước. Trong khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, thành phố Hà Nội thực sự mở rộng cửa mời đón các chuyên gia, nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng. Chúng ta cần có thêm những chính sách quyết liệt hơn nữa để khuyến khích nhân tài, đưa Hà Nội trở thành trung tâm tri thức, trí tuệ nhân tạo của cả nước”.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng này thì mạng 5G phải đi trước. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước; đầu tư trước kinh doanh sau. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông… Hà Nội là trái tim của cả nước, cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ số, phát triển xã hội số để xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực số thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mạng 5G, đồng bộ hạ tầng số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.