Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt hàng xây dựng nhà tái định cư: Giải pháp đột phá tạo quỹ nhà ở

Dạ Khánh| 05/01/2020 08:21

(HNM) - Giai đoạn 2018-2021, Hà Nội cần hơn 11.000 căn hộ phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị. Ngay từ năm 2016, Hà Nội đã chủ trương thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà ở tái định cư. Đây là giải pháp đột phá nhằm tạo quỹ nhà phục vụ nhu cầu tái định cư, mang đến lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Dự án nhà ở tái định cư xây dựng với chất lượng nhà ở thương mại 30T1, 30T2 (Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy) đã sẵn sàng bàn giao phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Yên Khánh

Cải thiện chất lượng nhà ở

Là một trong những hộ dân nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng đường Vành đai 2 đi qua đường Trường Chinh (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở), ông Lại Minh Hải (phường Khương Thượng, quận Đống Đa) chuyển về tái định cư tại P.1806 A1 chung cư A14, Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) từ tháng 12-2017. Chung cư này là dự án nhà ở tái định cư có chất lượng theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lại Minh Hải cho biết: “Ban đầu, khi nghĩ ở nhà tái định cư, tôi khá lo ngại về chất lượng nhà. Tuy nhiên, qua 2 năm sinh sống, tôi thấy chất lượng nhà bảo đảm, kết cấu xây dựng tốt, trang thiết bị hiện đại, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoạt động tốt. Cơ sở hạ tầng tại khu vực cũng được quy hoạch đồng bộ. Nhìn chung, tôi khá hài lòng”.

Theo ông Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị (thuộc Handico), chung cư A14 là dự án nhà ở tái định cư được xây dựng có chất lượng theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại do Handico chủ động nguồn vốn thực hiện. Đơn vị cũng đi trọn cùng dự án khi trực tiếp quản lý, vận hành tòa nhà sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng.

Thực tế, khi nói về nhà tái định cư, không ít người thường e ngại về việc chất lượng nhà ở còn thấp, có sự chênh lệch giữa nhà ở tái định cư và nhà ở thương mại; nhiều khu nhà ở tái định cư xuống cấp nhanh… Khắc phục vấn đề này, Hà Nội đã chủ trương thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, đây là giải pháp đột phá của Hà Nội nhằm tạo quỹ nhà tái định cư, giải quyết tình trạng thiếu quỹ nhà ở tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án giao thông, các công trình trọng điểm của thành phố. Giải pháp này cũng mang đến lợi ích cho nhiều phía. Cụ thể, thành phố chỉ phải bố trí vốn để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình; doanh nghiệp giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia quản lý, vận hành nhà ở tái định cư; người dân được hưởng chất lượng và dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại.

Sẵn sàng phục vụ các dự án

Theo quy định, khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị... phải bảo đảm có quỹ nhà tái định cư đã hoàn thành, để thông báo cho các chủ đầu tư về diện tích, vị trí các căn hộ tái định cư. Đây là cơ sở để chủ đầu tư lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công bố cho các hộ dân biết. Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, để đáp ứng công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn thành phố, trong giai đoạn 2018-2021, Hà Nội cần hơn 11.000 căn hộ tái định cư. Thành phố đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách; xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách dưới hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư... Trong đó, có 17 dự án đang triển khai trên địa bàn các quận, huyện: Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Trì... với tổng cộng 9.865 căn hộ được thực hiện theo hình thức đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư.

Trong năm 2019, đã có 1.200 căn hộ tái định cư được hoàn thành, đủ điều kiện bố trí cho những hộ trong diện giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án của thành phố. Ngoài ra, có 8 dự án (2.743 căn hộ) đang xây dựng; trong đó một số dự án có đủ điều kiện bàn giao trong năm 2020 như: Dự án xây dựng nhà ở thương mại tái định cư X2, với 750 căn hộ (quận Hoàng Mai); dự án nhà ở thương mại và tái định CT3 Nghĩa Đô, với 399 căn hộ (quận Cầu Giấy)... Nhiều dự án đã được thành phố lên kế hoạch bố trí cho việc giải phóng mặt bằng để xây dựng: Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, Vành đai 2 (Mai Động - Ngã Tư Vọng), tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo... Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ và 3 dự án (2.788 căn hộ) tại quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Trì không đáp ứng tiến độ...

Nhằm bảo đảm quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, mới đây Sở đã có báo cáo gửi UBND thành phố. Cụ thể, với các dự án chậm tiến độ, Sở đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ giao đất theo quy định; với các dự án không đáp ứng tiến độ, đề nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thu hồi dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của Luật Đầu tư, làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư khác thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đặt hàng xây dựng nhà tái định cư: Giải pháp đột phá tạo quỹ nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.