Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tuyên giáo giai đoạn 2015-2020

Quốc Bình| 25/11/2015 16:21

(HNMO) - Sáng 25-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tuyên giáo giai đoạn 2015-2020 và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trao Huân chương Hồ Chí Minh cho lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ


Trình bày báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước ngành Tuyên giáo 5 năm 2010-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng cho biết, trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của ngành đã hướng mạnh về cơ sở; bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, cấp bách của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị; có chủ đề, tên gọi và tiêu chí cụ thể; hướng đến tính thiết thực, hiệu quả; từng bước khắc phục những biểu hiện hình thức hoặc hành chính hoá trong khâu tổ chức và thực hiện. Công tác thi đua được gắn với các chương trình, kế hoạch, chuyên đề thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; tạo động lực phấn đấu của mỗi tập thể, cán bộ, công chức, viên chức. Công tác khen thưởng của ngành đã bảo đảm nguyên tắc, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch; chú trọng khen thưởng đối tượng trực tiếp lao động, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo... Công tác khen thưởng có sự đổi mới, không chỉ khen thưởng theo các danh hiệu thi đua, mà còn khen thưởng theo chuyên đề, khen thưởng đột xuất. Kết quả công tác khen thưởng đã động viên khích lệ kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, tạo sự lan toả trong các địa phương, cơ quan, đơn vị...

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ rõ những hạn chế như: Các phong trào thi đua, công tác khen thưởng theo chuyên đề chưa được thực hiện thường xuyên để thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Công tác tuyên truyền, giáo dục về nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống chưa nhiều, chưa có hình thức, phương thức phù hợp. Việc đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thi đua và khen thưởng còn hạn chế. Khen thưởng theo thành tích, công trạng còn ít so với khen thưởng theo quá trình cống hiến và các danh hiệu thi đua. Đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng không được tập huấn nghiệp vụ đầy đủ và không ổn định. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền ở một số cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu còn chưa đầy đủ, toàn diện... Đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa thực sự tích cực, chủ động, sáng tạo để tham mưu, đề xuất tổ chức và chỉ đạo các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị trong đơn vị, từng thời kỳ cụ thể.

Tham luận tại Đại hội, cán bộ lãnh đạo ngành tuyên giáo đã khẳng định trong thời chiến hay thời bình, công tác tuyên giáo luôn có vai trò hết sức quan trọng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, chiến trường ngày càng phẳng hơn, đòi hỏi những người làm công tác chính trị tư tưởng phải đổi mới mạnh mẽ mới đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Mặc dù vậy, các cán bộ ngành tuyên giáo có niềm tin sắt đá vào hiệu quả công việc mình đang làm và chắc chắn sẽ tiếp tục phấn đấu đóng góp nhiều hơn, xứng đáng hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chỉ đạo tại Đại hội, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu, với trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang, ngành tuyên giáo cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chủ động, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII vào cuộc sống, thực hiện Nghị quyết TƯ 4 gắn với thực hiện Chỉ thị 03; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là người yêu nước nhất”.

Đồng chí chỉ đạo ngành tuyên giáo cần thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Ban chấp hành TƯ, các cấp ủy thực hiện tốt Đại hội XII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các cấp; đổi mới nội dung phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo, làm tốt công tác tuyên truyền tư tưởng, báo chí, văn hóa văn nghệ, khoa giáo; tích cực tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng, luận giải những vấn đề quan trọng cấp bách đang đặt ra từ thực tiễn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham gia tích cực và chủ động hơn nữa công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, văn hóa; đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí; chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4; động viên cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; tạo không khí phấn khởi đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; đổi mới mạnh mẽ phương thức công tác tuyên giáo; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của tuyên giáo các cấp; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tuyên giáo từ trung ương xuống cơ sở, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đổi mới; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa giáo của Đảng.

Ngành tuyên giáo cần làm tốt công tác dự báo tình hình, chỉ đạo quyết liệt, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, thi đua khen thưởng là động lực phát triển, là động lực quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải tiến hành liên tục, thường xuyên, hằng ngày, ngành tuyên giáo phải tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo tinh thần của Chỉ thị 34, nhất là đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp. Thời gian tới, tổ chức các phong trào thi đua phải thiết thực hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, trung thực, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, phấn đấu xây dựng cơ quan đơn vị, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh chỉ đạo, toàn ngành tuyên giáo kiên định lý tưởng cách mạng, nêu cao tinh thần vượt khó vươn lên, phát huy mọi năng lực sáng tạo, gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đổi mới toàn diện, mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác tuyên giáo, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; góp phần làm cho mặt tích cực, làm cho cái mới, cái tích cực nảy nở và trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với những thành tích xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương đã được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng bằng khen cho 31 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, công tác khen thưởng ngành tuyên giáo 5 năm qua. Ban Tuyên giáo Thành ủy là một trong 31 tập thể được khen thưởng. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tuyên giáo cho một số cán bộ, lãnh đạo ngành tuyên giáo có nhiều đóng góp thời gian qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tuyên giáo giai đoạn 2015-2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.