(HNMO) - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) sáng 2-6, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị lực lượng Công an cần được sử dụng vũ khí nhanh hơn trong bối cảnh tội phạm ngày càng manh động.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, những năm gần đây tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, manh động, liều lĩnh, mang theo nhiều hung khí gây hậu quả nghiêm trọng. "Khi gặp lực lượng Công an, tội phạm không cần biết đang đối diện với cấp hàm nào mà chỉ cần biết Công an có mang súng, công cụ hỗ trợ hay không”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Tuy nhiên, lực lượng Công an hiện phải tuân thủ quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 trong việc sử dụng súng là vũ khí quân dụng. Cụ thể, phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng; chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. "Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn để lực lượng Công an được sử dụng vũ khí nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu trấn áp tội phạm", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Về các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật, đối với đề nghị tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an (trừ nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; nữ công nhân công an tăng 5 tuổi), đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đề xuất này là có cơ sở và phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu cho rằng quy định này tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Ngoài ra, không chỉ trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động mà còn trên cơ sở cấp bậc hàm, chức danh, chức vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan đang đảm nhiệm; do đó, việc tăng ngay 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan không làm ảnh hưởng đến hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan có cấp bậc hàm, chức danh, chức vụ cao hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho nhiều nhóm đối tượng với những cách thức, lộ trình thực hiện không giống nhau. Theo đại biểu Hoàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên), chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ ngày mùng 1-1-2021 theo quy định của Bộ luật Lao động.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp tục tiến hành rà soát để thiết kế, sắp xếp, bố trí tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất với những nhóm đối tượng, lộ trình, thời điểm thực hiện khoa học hơn, hợp lý hơn. Các quy định cần bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho rằng, quy định Trung đoàn trưởng CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá là chưa phù hợp, thống nhất với cấp bậc cao nhất Thượng tá ở đơn vị tương đương của Quân đội. Nêu quan điểm khác với đại biểu Tráng A Dương, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, đối với lực lượng CAND, đơn vị cấp Trung đoàn là cao nhất, trong khi ở QĐND có cấp Sư đoàn với cấp bậc hàm cao nhất của Sư đoàn trưởng là Đại tá. Do đó, đại biểu cho rằng quy định Trung đoàn trưởng CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá là phù hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) không đồng tình với việc 2 vị trí Phó Cục trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Theo đại biểu, nên để cấp bậc hàm này cho Giám đốc Công an các địa phương được phân loại đơn vị hành chính loại 1 trong địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. “Sau này các tỉnh, thành phố được nâng lên đơn vị hành chính loại 1 sẽ không có “chỗ” để nâng cấp hàm cho Giám đốc Công an cấp tỉnh”, đại biểu nói.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, báo cáo Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.