Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội: Cần luật hóa đô thị đặc biệt

Mai Hữu - Tuấn Minh| 30/05/2023 17:36

(HNMO) - Chiều 30-5, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần luật hóa cơ chế, chính sách dành cho đô thị đặc biệt, tương xứng với vị thế, tiềm năng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).

Cần có khuôn khổ pháp lý riêng

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm với cơ chế đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh cần có khuôn khổ pháp lý riêng để tạo cú hích cho thành phố phát triển. “Một năm thành phố gửi hơn 500 văn bản để xin ý kiến thì không có gì là năng động sáng tạo để phát triển. Theo dự thảo Nghị quyết thì thành phố cũng chỉ có những cơ chế ngang bằng với các tỉnh, thành phố khác, chưa thực sự có cơ chế đặc thù nổi bật”, đại biểu nói và cho rằng 27 cơ chế chính sách vượt trội trong dự thảo đều là cơ chế thử nghiệm đi trước.

Trong các cơ chế, chính sách mới được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết mới, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ quan tâm nhiều tới vấn đề thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Với cơ chế mới này, việc phát triển giao thông cùng với xây dựng các khu đô thị đi kèm khi giải phóng mặt bằng sẽ giúp thành phố xây dựng được những khu đô thị hiện đại, văn minh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, hiện nay có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Hà Nội được quy định có Luật Thủ đô thì tại sao thành phố Hồ Chí Minh không có Luật Đô thị đặc biệt? Đại biểu cho rằng cần Luật hóa đô thị đặc biệt để trên cơ sở đó có hành lang pháp lý trung hạn và dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức bộ máy của thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có thành phố Thủ Đức hiện nay để bảo đảm sự tiếp nối trong hoạt động của bộ máy chính quyền. Theo đại biểu, trong các thí điểm thì tổ chức bộ máy là phức tạp nhất vì liên quan đến con người nhằm bảo đảm sự kế thừa, tiếp nối khi kết thúc giai đoạn thí điểm thì bộ máy chính quyền vẫn hoạt động. Cùng với đó là việc quản lý cán bộ, công chức khi dự thảo Nghị quyết cho phép tăng số lượng hơn so với mức phân bổ trước đây. Và sau 5 năm thí điểm thì quyền lợi của các cán bộ, công chức này sẽ ra sao, tránh việc quay lại cơ chế cũ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy chính quyền, cũng như quyền lợi của cán bộ, công chức.

Quang cảnh thảo luận tổ tại Đoàn Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao dự thảo Nghị quyết cho thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn. Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua, thành phố có chi thu nhập tăng thêm với cán bộ, công chức nhưng vẫn xảy ra tình trạng cán bộ nghỉ việc, vì khối lượng công việc quá lớn đi kèm trách nhiệm nặng nề. Đại biểu cũng đề nghị cần đưa tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức thành một điều riêng trong dự thảo Nghị quyết.

Còn đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần cân nhắc việc áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phải tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến BOT phải trả phí nhằm tránh phát sinh điểm nóng.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Có cơ chế chủ động xin từ chức

Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc xây dựng dự thảo nghị quyết này còn thể hiện được tinh thần trách nhiệm của Quốc hội đối với người được bầu, phê chuẩn giữ chức vụ; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đại biểu tin tưởng Nghị quyết sau khi được hoàn thiện và thông qua sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. “Với cách làm của Quốc hội hiện nay - rất công tâm, khách quan và sát sao với hoạt động của những vị trí mà Quốc hội bầu và phê chuẩn, chúng ta sẽ đánh giá đầy đủ, chính xác và toàn diện về cán bộ”, đại biểu nói.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thống nhất với quy định trường hợp có từ 2/3 trở lên tín nhiệm thấp, báo cáo thẩm tra cho rằng cần bổ sung cơ chế cho chủ động xin từ chức, nếu không thì trình Quốc hội và HĐND xem xét miễn nhiệm. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan Quốc hội nghiên cứu thêm trường hợp nếu cá nhân cán bộ đó được đánh giá phiếu tín nhiệm thấp nhiều thì cần có cơ chế để họ chủ động xin từ chức là phù hợp trong điều kiện hiện nay, thay vì cơ quan trình miễn nhiệm, tạo cơ hội để người được lấy phiếu tín nhiệm nộp đơn xin thôi nhiệm vụ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau).

Về căn cứ lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, trước khi lấy phiếu tín nhiệm cần căn cứ vào chương trình hành động (nếu có) để soi vào đó đánh giá việc thực hiện chức năng nhiệm vụ. “Không có sẽ khó đong đếm, lường định đâu là người làm được việc, đâu là người không làm được việc”, đại biểu nói và cho rằng, trong dự thảo phải bổ sung quy định làm căn cứ cho đại biểu lấy phiếu tín nhiệm, hoặc báo cáo kết quả hoạt động giữa nhiệm kỳ, cả nhiệm kỳ.

Cho rằng thông tin đầu vào quá ít nên việc lấy phiếu vẫn mang tiếng ước lệ, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) băn khoăn xử lý hệ quả theo kết quả ước lệ. Vì thế, theo đại biểu, cần phải phân ra nhiều trường hợp với người có tỷ lệ tín nhiệm thấp cao. Chẳng hạn, nếu bố trí không đúng sở trường khiến họ nhận tín nhiệm thấp thì nên luân chuyển. Với những người mà có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nhưng còn chưa rõ ràng thì có thể chuyển tạm sang vị trí khác, còn đã rõ ràng thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm luôn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Cần luật hóa đô thị đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.