(HNMO) – Dù đã có nhiều thay đổi trong quy chế nhưng cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 vẫn tề tịu chủ yếu là những gương mặt lão làng của giới sân khấu.
Vở diễn 'Công lý không gục ngã" của Nhà hát Tuổi trẻ mở đầu liên hoan |
Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra từ ngày 21-6 đến ngày 6-7 với 29 vở diễn của 19 nhà hát và đơn vị nghệ thuật kịch nói tham gia, trong đó sân khấu phía Bắc có 11 đơn vị (10 đơn vị công lập và 1 đơn vị xã hội hóa), sân khấu phía Nam có 8 đơn vị tham gia (7 đơn vị xã hội hóa và 1 đơn vị công lập).
Năm nay, quy chế của cuộc thi mở rộng, không hạn chế về đề tài nhưng các tác phẩm đều tập trung vào các đề tài đương đại. Tuy nhiên, trong số 29 vở diễn thì chỉ có hai vở về đề tài lịch sử và cách mạng là “Công lý không gục ngã”, “Khát vọng của những linh hồn”, còn lại tất cả đều phản ánh cuộc sống hiện đại với nhiều góc khuất đa chiều.
Có những vở mới được dàn dựng như: “Bỉ vỏ” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Lính trận” (Đoàn kịch Quảng Ninh), “Gió từ những cánh đồng” (Trung tâm Nghệ thuật và tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương), “Người sông Mã” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa). Có cả những vở đã được dàn dựng và công diễn rộng rãi, thậm chí đạt số lượng tới cả trăm suất diễn như: “Bệnh sỹ”, “Lâu đài cát”, “Tai biến” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Đường đua trong bóng tối” (Đoàn kịch Công an nhân dân)…
Ngoài ra, có một số vở diễn được làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước như tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hưởng ứng Nghị quyết Trung ương IV khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…
Trong cuộc thi lần này, các đơn vị nghệ thuật cũng được thỏa sức sáng tạo với nhiều thể loại kịch khác nhau, từ chính kịch, hài kịch, bi kịch cho đến nhạc kịch...
Vở "Bệnh sĩ" |
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, mặc dù số lượng các vở diễn và đơn vị dự thi đông nhưng tên tuổi tác giả, đạo diễn vẫn là những gương mặt quen thuộc. Danh sách tên các tác giả trong các tác phẩm vẫn là những “lão làng” của sân khấu kịch như các tác giả Nguyễn Đăng Chương, Nguyễn Quang Vinh, Xuân Đức, Chu Thơm, Lê Chí Trung, Chu Lai, Vương Huyền Cơ… Đạo diễn, NSND Lê Hùng đứng tên bốn vở, NSND Doãn Hoàng Giang đứng tên ba vở, đạo diễn, NSƯT Anh Tú đạt kỉ lục với năm vở. Lần mãi mới có một vài đạo diễn trẻ nhưng cũng đã xấp xỉ ở độ tuổi 40 như Xuân Bắc, Như Lai.
Cục Trưởng Nguyễn Đăng Chương cho biết, điều này phản ánh thực tế hiện nay của sân khấu Việt Nam đang khủng hoảng đội ngũ biên kịch, đạo diễn kế cận. Để giải quyết sự bế tắc này sân khấu vẫn phải chờ đợi một quá trình để kịp bổ sung đào tạo lực lượng mới.
Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương cũng khẳng định, tại cuộc thi này BGK sẽ đánh giá thực chất các tác phẩm và sẽ không để xảy ra tình trạng “cơn mưa giải thưởng” để “cả làng cùng vui” như những lần tổ chức trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.