Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc “khủng hoảng dâu tây” Australia: Tai họa từ những chiếc kim

Phương Chi| 23/09/2018 07:12

(HNM) - Người nông dân Australia vừa bất ngờ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi nạn “kim khâu trong hoa quả” - trò nghịch ngợm không giống ai của một thanh niên vô ý thức.


Sau một tuần gây sốc cho người dân xứ sở Chuột túi, ngày 19-9, cảnh sát Australia thông báo đã bắt một thanh niên liên quan đến các vụ hoa quả chứa kim khâu. Anh chàng này thừa nhận nhét kim khâu vào dâu tây và một số hoa quả khác như một trò đùa nghịch. Tuy nhiên, hành vi này đã gây hậu quả nghiêm trọng và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật dành cho thanh, thiếu niên.

Theo báo cáo của một số cơ quan chức năng Australia, dâu tây chứa kim khâu được phát hiện đầu tiên bởi một nhà cung cấp ở bang Queensland, sau đó lan ra nhiều khu vực khác, trong đó có New South Wales, Victoria, Tasmania và Nam Australia. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, hơn 100 trường hợp kim khâu được tìm thấy trong trái cây, gồm dâu tây, táo và chuối.

Dù chưa có người nào bị thương nặng nhưng nông dân trồng dâu tại Australia đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề và khiến ngành sản xuất dâu tươi với doanh thu 130 triệu AUD (93 triệu USD) mỗi năm của Australia điêu đứng. Hàng loạt lô dâu tây tại các siêu thị bị thu hồi, nhiều cửa hàng tại New Zealand tạm cấm bán các loại dâu nhập từ Australia.

Vụ việc đã khiến 7 thương hiệu có sản phẩm phát hiện kim khâu phải đóng cửa. Những nhà sản xuất hay các trang trại trồng dâu khác trên khắp Australia cũng gần như phải chịu chung số phận khi lượng tiêu thụ giảm mạnh do người tiêu dùng không dám mua dâu.

Trong khi đó, các đối tác thương mại ở một số nước như Anh, Nga và New Zealand ngừng nhập khẩu dâu tươi từ Australia. Giá bán dâu tươi sụt giảm mạnh, thấp hơn cả chi phí đầu vào. Các nông trại buộc phải tiêu hủy sản phẩm trong khi lao động hái quả bị nghỉ việc hàng loạt. Đau xót phải chứng kiến những cánh đồng dâu tươi đến mùa thu hoạch không được hái hay những đống quả nằm im lìm trong kho lạnh, nhiều chủ trang trại đã nghĩ ra nhiều cách, chế biến thành những sản phẩm khác như làm mứt, ép bán nước tươi, thậm chí làm thành bia dâu… nhưng chỉ giải quyết được số lượng nhỏ và tạm thời.

Phản ứng trước vụ việc, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gọi hành động phá hoại nhằm vào ngành sản xuất dâu tây và hoa quả là khủng bố, đồng thời yêu cầu áp dụng mức phạt nặng hơn với những hình thức phá hoại kiểu này. Ví những thủ phạm đứng sau vụ việc như "con sâu làm rầu nồi canh", Thủ tướng S.Morrison cảnh báo, những người cố tình nhét kim để thu hút sự chú ý phải bị ngăn chặn ngay lập tức.

Trong một động thái nhằm giảm thiểu những hành vi thiếu suy nghĩ tương tự sẽ tái diễn, ông kêu gọi Quốc hội Australia nhanh chóng cho phép nâng mức phạt tù tối đa với những hoạt động phá hoại thực phẩm có chủ đích từ 10 lên 15 năm, tương đương với các tội ấu dâm hay khủng bố tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc “khủng hoảng dâu tây” Australia: Tai họa từ những chiếc kim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.