Góc nhìn

"Cuộc chơi" công bằng

Gia Khánh 12/10/2023 - 06:16

Cách đây 3 năm, khi bắt đầu có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ví như “đường cao tốc” để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường lớn này.

Thực tế, đến nay, thặng dư thương mại của Việt Nam sang các nước Liên minh châu Âu (EU) tăng hơn 35%. Tuy nhiên, trong tỷ trọng hàng hóa có kim ngạch lớn xuất sang EU, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm đa số. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn xuất hàng dạng thô, làm theo đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc xuất nguyên liệu, hàng bán thành phẩm.

Điều đó có nghĩa giá trị lợi nhuận lớn thu về nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Còn doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thu về giá trị lợi nhuận thấp. Mức độ sẵn sàng và tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA của doanh nghiệp Việt Nam không cao và thua xa doanh nghiệp FDI. Nói cách khác, doanh nghiệp Việt Nam đang “nhường sân chơi” cho doanh nghiệp ngoại.

Điều đó cũng cho thấy nhiều vấn đề nội tại trong doanh nghiệp Việt Nam chưa được giải quyết. Doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chất lượng sản phẩm thấp so với tiêu chuẩn; trình độ quản trị và xây dựng chiến lược kinh doanh hạn chế. Ngoài những tác động từ bên ngoài, doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn mở rộng sản xuất; vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản thủ tục. Trong khi những điều kiện của thị trường về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn, nguồn gốc, trách nhiệm xã hội… ngày càng cao và khắt khe sẽ tiếp tục là thách thức.

Tất nhiên, EVFTA vẫn là cơ hội và lợi thế lớn, không chỉ là “đường cao tốc” đưa hàng hóa xuất khẩu mà còn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghệ, phương thức quản trị mới. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần khắc phục hạn chế để tận dụng hiệu quả những cơ hội, lợi thế mà EVFTA đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Trước hết, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về EVFTA. Bên cạnh đó, chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp cách thức đáp ứng tiêu chuẩn, quy định đã cam kết trong hiệp định; cách thức tận dụng cơ hội và lợi thế mà hiệp định đem lại, cũng như ứng phó hiệu quả với thách thức phải đối mặt.

Các hiệp hội doanh nghiệp cần trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý; tiếp nhận, phản ánh những bất cập, vướng mắc, nhu cầu hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp tới cơ quan quản lý để cơ quan quản lý hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách tổng thể, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận, tận dụng cơ hội của EVFTA, sử dụng nguyên liệu nội khối đáp ứng tiêu chí xuất xứ của từng Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiệp hội ngành hàng và các địa phương có thể phối hợp xây dựng hệ sinh thái của 1, 2 ngành hàng chính để xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tham gia EVFTA. Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy các chính sách hỗ trợ chung, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh thông qua tiếp cận tín dụng, đất đai, nhà xưởng, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số…

Cuối cùng, để tận dụng cơ hội của EVFTA, chính doanh nghiệp phải đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện của hiệp định, khắc phục những vấn đề nội tại, chú trọng đầu tư công nghệ, quản trị tiên tiến, xây dựng thương hiệu…; liên kết với nhau để hình thành chuỗi sản xuất có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường, gia tăng năng lực cạnh tranh, hàm lượng chế biến và giá trị cho sản phẩm.

Thực tế, EVFTA hay các FTA là “cuộc chơi” công bằng, muốn được hưởng ưu đãi từ hiệp định, doanh nghiệp phải chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đã cam kết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc chơi" công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.