Kinh tế

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh: Tận dụng tối đa các lợi thế do FTA mang lại

Lam Giang thực hiện 24/09/2023 - 06:43

Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết cùng 3 FTA đang được đàm phán và sớm được ký kết thời gian tới, không gian ngoại thương của Việt Nam đang được mở ra rất rộng lớn.

Vấn đề đặt ra là cần tập trung triển khai các FTA một cách hiệu quả để tận dụng tối đa các lợi thế mang lại, tăng tốc phát triển hoạt động xuất - nhập khẩu. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

fta.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh.

Đàm phán 3 FTA với các thị trường quan trọng

- 16 FTA đã được ký kết và thực thi giúp mở rộng không gian cho ngoại thương Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và cả nền kinh tế. Những FTA mới với các thị trường nào đang tiếp tục được đàm phán, thưa ông?

- Kể từ tháng 1-2007 sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, đến nay chúng ta đã ký kết và thực thi 16 FTA. Các FTA này đã phát huy hiệu quả rõ nét, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường lớn, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, nâng chất lượng và năng lực cạnh tranh... Hiện có 3 FTA đang tiếp tục được đàm phán. Đó là FTA Việt Nam - EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein). Đây là FTA đã khởi động hơn 10 năm qua. Còn trong khuôn khổ ASEAN là FTA ASEAN - Canada được tái khởi động đàm phán tháng 11-2021. Mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) Việt Nam - Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là FTA quan trọng đang được tích cực đàm phán để có thể ký kết trong thời gian sớm nhất.

- Xin ông cho biết, vì sao chúng ta chọn những thị trường này để ký các FTA tiếp theo?

- Mục tiêu trước hết khi đàm phán các FTA là nhằm mở cửa thị trường, tạo ra các cơ hội xuất - nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai là nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, bởi các FTA là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, sản xuất và xuất khẩu với thuế suất ưu đãi thấp. Việc chọn các thị trường trên để đàm phán ký kết FTA gắn với định hướng là những thị trường có tiềm năng cùng cơ hội xuất khẩu, đầu tư kinh doanh lớn, đem lại lợi thế cho nền kinh tế nước ta.

- Với 16 FTA đã ký kết cùng vị thế thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế việc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do hiện có những thuận lợi ra sao, thưa ông?

- Thực tế, khi chúng ta có vị thế ngày càng cao hơn, thuộc tốp 20 nền kinh tế có ảnh hưởng trong thương mại toàn cầu thì áp lực cũng theo đó nhiều hơn. Trước đây chúng ta đàm phán dưới góc độ là một nước có nền kinh tế kém phát triển thì các đối tác có những linh hoạt nhiều hơn. Còn hiện nay, khi chúng ta nâng tầm lên là nước đang phát triển, có hoạt động thương mại quy mô lớn thì những linh hoạt này sẽ giảm dần. Việc đàm phán các FTA giữa Việt Nam và các đối tác vì thế diễn ra một cách bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi nhưng tất nhiên chúng ta vẫn yêu cầu đối tác có trình độ phát triển cao hơn có những linh hoạt phù hợp với trình độ phát triển của hai bên.

- Tiến độ đàm phán các FTA mới hiện đã tiến triển thế nào? Dự kiến, FTA nào sẽ sớm được ký kết, thưa ông?

- Việc đàm phán các FTA phụ thuộc một phần vào kỹ năng đàm phán, phần khác phụ thuộc vào cả hai bên chứ không phải một bên nào muốn nhanh là có thể được. Các nội dung đàm phán trên nguyên tắc cân bằng, “win - win” hai bên cùng thắng, có đi có lại, ta cho họ cái gì thì họ cho ta cái đó. Ngoài ra, tiến trình đàm phán còn liên quan đến chủ trương, định hướng của đối tác hoặc phải đánh giá, cân nhắc các yêu cầu của đối tác có phù hợp với chủ trương, chính sách của chúng ta hay không để có phương án đàm phán phù hợp. Do đó, việc đàm phán FTA cần hài hòa từ kỹ năng đàm phán, quyết tâm của hai bên, những yêu cầu của đối tác, chủ trương của chúng ta. Có những FTA thuận lợi từ chủ trương, chính sách đến những yêu cầu, mong muốn của chính phủ hai nước thì tốc độ đàm phán sẽ được đẩy nhanh hơn.

Hiện chúng tôi đang nỗ lực tối đa để 3 FTA đang đàm phán sẽ sớm được ký kết. Tuy nhiên, ngoài yêu cầu về tiến độ thời gian, việc quan trọng hơn hết trong đàm phán FTA là chất lượng đàm phán. Nếu chỉ vì tiến độ thời gian mà chúng ta bỏ quên những vấn đề liên quan đến chất lượng đàm phán, đến nội dung mà chúng ta cam kết sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả thực thi sau này. Do vậy cần hài hòa giữa tiến độ thời gian và chất lượng đàm phán để có được các FTA chất lượng nhất.

fta1.jpg
Người tiêu dùng Pháp chọn mua sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Paris 2023. Ảnh: Minh Duy

Nhiều triển vọng từ các thị trường mới

- Đánh giá của ông về triển vọng các thị trường mới từ những FTA đang đàm phán và sẽ được ký kết thời gian tới?

- Khi đàm phán các FTA mới chúng ta đã đánh giá, lựa chọn những thị trường hay khu vực đem lại những cơ hội ở xuất khẩu, thương mại, đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như UAE là thị trường rất quan trọng ở khu vực Trung Đông mà đến nay chúng ta chưa ký kết FTA nào. UAE là đất nước có nguồn tài chính, đầu tư lớn, đây cũng là thị trường khá đa dạng và có thu nhập đầu người cao. Ngoài ra, UAE cũng là cửa ngõ để hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường khu vực Trung Đông. Xét ở cả góc độ thương mại và đầu tư thị trường UAE đều rất tiềm năng đối với Việt Nam. Hay khối các nước EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) dù là quy mô thị trường không lớn như các thị trường khác nhưng là nước có thu nhập cao hàng đầu thế giới, nên có nhu cầu hàng hóa lớn, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Vì vậy đây cũng là thị trường rất tiềm năng cần khai mở.

- Vậy đâu là những hạn chế cần được khắc phục sau các FTA đã được ký kết cũng như các FTA sẽ được ký kết và thực thi thời gian tới?

- 16 FTA đã ký kết và 3 FTA sẽ được ký kết trong thời gian tới đã tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, tuy nhiên việc tận dụng các cơ hội này còn nhiều hạn chế, nhất là với các FTA thế hệ mới chúng ta đã bỏ nhiều công sức để xây dựng, đàm phán, ký kết. Như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chúng ta dành nhiều nỗ lực đàm phán để có các cam kết trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo cơ hội phát triển thị trường tốt nhất song dung lượng khai thác các thị trường này chưa nhiều.

Mặt khác, chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa tạo được dấu ấn trong khách hàng quốc tế nên giá trị thu về còn thấp. Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở để cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xây dựng giá trị thương hiệu cho sản phẩm hàng Việt. Điểm thứ ba là chúng ta còn thiếu sự kết nối, phối hợp của các doanh nghiệp Việt Nam với nhau trong việc thâm nhập thị trường quốc tế. Cuối cùng doanh nghiệp cần có định hướng xanh hóa, số hóa, phát triển bền vững, và phải xác định đó là những yếu tố sống còn cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh: Tận dụng tối đa các lợi thế do FTA mang lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.