(HNM) - Ở chung cư cao tầng, các hạ tầng dùng chung như thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chống sét,… có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho cư dân. Vậy nhưng, hiện ở không ít chung cư tái định cư trên địa bàn Thủ đô, người dân đang sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì hệ thống này hoạt động kiểu “sáng nắng, chiều mưa…” do sử dụng đã lâu.
Điều đáng nói, trong khi hệ thống hạ tầng dùng chung ở nhiều chung cư tái định cư bị hư hỏng thì nguồn kinh phí để bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa, thay thế thiết bị lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do “thu không đủ bù chi”, một số tòa nhà không có quỹ bảo trì 2% (do xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực), hoặc nếu có cũng không đáp ứng được yêu cầu đối với các thiết bị cần nguồn kinh phí lớn. Trong trường hợp phải đóng góp kinh phí để sửa chữa, thay thế thiết bị thì các chủ sở hữu căn hộ không mặn mà và việc này cũng không dễ thực hiện, đặc biệt khó khăn ở những tòa nhà chưa có ban quản trị.
Chủ trương nhất quán của thành phố Hà Nội là đời sống người dân sau khi tái định cư tại nơi ở mới phải cao hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Do đó, những bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực này đang được các cấp, ngành thành phố tích cực tháo gỡ, nhất là các thiết bị dùng chung liên quan đến an ninh, an toàn như nâng cấp, bổ sung thiết bị phòng cháy, chữa cháy bảo đảm tiêu chuẩn.
Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND (ngày 23-8-2018), quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh nguồn kinh phí bảo trì hạn hẹp, quy định này nhằm tận dụng hiệu quả, đúng pháp luật phần mặt bằng kinh doanh dịch vụ ở các chung cư tái định cư vốn vẫn còn không ít diện tích bị bỏ trống, sử dụng sai mục đích. Chủ trương này đang được thực hiện và yêu cầu đặt ra là các bên liên quan cần vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì quyền lợi và sự an toàn của cư dân.
Tuy vậy, để các phần việc nói trên đạt kết quả thực chất thì công tác quản lý, vận hành các tòa nhà tái định cư một cách công khai, minh bạch và hiệu quả vẫn là gốc rễ vấn đề. Cụ thể, đối với các đơn vị quản lý phải nâng cao trách nhiệm, tiếp tục khắc phục khó khăn, bảo đảm các thiết bị dùng chung của mỗi tòa nhà luôn ở trạng thái vận hành an toàn, ổn định. Việc thu - chi tài chính từ các nguồn quỹ đóng góp của hộ dân như phí vận hành, quỹ bảo trì và kinh phí khác phải đúng mục đích, không thất thoát, tạo được niềm tin trong cư dân.
Không nằm ngoài nhiệm vụ này, các đơn vị quản lý cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cộng đồng cư dân, ban quản trị chung cư để tạo sự thống nhất trong phương thức hoạt động; đồng thời giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề phát sinh. Cùng với đó là quan tâm việc thành lập, kiện toàn ban quản trị để tạo thuận lợi trong giải quyết các công việc liên quan. Chính quyền địa phương cũng cần thể hiện rõ vai trò quản lý thông qua các quy định hiện hành.
Với trách nhiệm của mình, các cư dân cần tích cực hợp tác với đơn vị chức năng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, để xây dựng môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh. Đặc biệt, những cư dân được bầu tham gia ban quản trị phải là thành viên tích cực, có uy tín trong cộng đồng và có hiểu biết về quản trị tài chính, xây dựng.
Cùng có trách nhiệm gánh vác việc chung thì mọi việc phát sinh ở chung cư tái định cư sẽ được giải quyết thấu đáo, hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng sống của cư dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.