(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.500 nhà chung cư cũ - chủ yếu là các khối nhà cao 5 tầng trở xuống được xây dựng trong các năm 50, 60 và 70 của thế kỷ XX và gần 800 nhà chung cư mới được xây dựng trong những năm gần đây. Trong tương lai, số lượng nhà chung cư tại Thủ đô sẽ còn tăng, điều đó đặt ra yêu cầu quản lý nhà chung cư ở một đô thị hiện đại, văn minh một cách chặt chẽ, trong đó, xây dựng văn hóa chung cư là phần việc rất quan trọng.
Bởi lẽ, trên thực tế, những vấn đề tại các chung cư cũ - nhà tập thể như: Cơi nới, làm "chuồng cọp", phơi đồ gây mất văn minh đô thị, sinh hoạt làm ảnh hưởng tới hộ bên cạnh... không những chưa được xử lý triệt để mà còn có dấu hiệu lây lan sang các chung cư mới, kể cả chung cư cao cấp. Đó là chưa kể tại các chung cư mới còn nảy sinh những vấn đề, mâu thuẫn, tranh chấp mới, chủ yếu liên quan tới công tác bảo trì, bảo hành, việc sử dụng không gian chung, cung cấp dịch vụ độc quyền,… Tất cả khiến hình ảnh về chung cư hiện lên trong thực tế không như trên... quảng cáo lúc bán nhà.
Tiếp cận văn hóa chung cư từ góc độ ứng xử của cư dân, có thể thấy một phần nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên bắt nguồn từ sự thiếu hòa hợp về thói quen giữa cư dân chung cư vốn đến từ nhiều vùng, miền. Những người theo dòng chuyển cư về Hà Nội, mua căn hộ chung cư, mang theo cách ứng xử ở tại nơi lưu trú cũ với những điều không phù hợp với đời sống đô thị hiện đại, phổ biến là coi không gian công cộng như của riêng mình, không tôn trọng quyền riêng tư của người khác…
Để xử lý, giải quyết những vấn đề của chung cư, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, thì cần có những quy chế, chế định nội bộ tương tự như hương ước của làng xã để từng bước điều chỉnh văn hóa ứng xử. Mô hình “Cầu thang an ninh - văn hóa” mà cư dân chung cư A3, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã duy trì suốt nhiều năm qua là minh chứng điển hình.
Như vậy, để xây dựng văn hóa chung cư, tất yếu phải áp dụng cả giải pháp đức trị và pháp trị. Tuy nhiên, hành vi vi phạm chuẩn mực chung không dễ xử lý dứt điểm nếu chính cư dân chung cư không lên tiếng; nếu các ban quản trị, cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền cơ sở không vào cuộc, có giải pháp khả thi dựa trên cơ sở áp dụng các quy tắc ứng xử đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành và đặt vấn đề trong tổng thể phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn liền với công tác bình xét các danh hiệu văn hóa. Ý kiến phản ánh của cư dân cần được các ban quản trị tiếp nhận, đưa ra ý kiến giải quyết kịp thời hoặc chuyển tới cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nếu việc nằm ngoài thẩm quyền.
Khi đặt vấn đề theo hướng đồng thời tôn trọng vai trò của pháp trị và đức trị, có thể thấy việc xây dựng văn hóa chung cư không đơn giản chỉ là tìm ra giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử của cư dân. Đó còn là yêu cầu xây dựng sự đồng thuận trong nhận thức chung về vị trí, vai trò của văn hóa chung cư trong cuộc sống. Nhận thức đó cần được chuyển hóa thành hành động cụ thể của cơ quan chức năng, thể hiện qua xây dựng, giám sát việc thực hiện các quy định, cam kết cần thiết.
Nói tóm lại, tất cả cùng phải chủ động điều chỉnh hành vi để xây dựng một cộng đồng cư dân văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.