(HNMCT) - Đạt doanh thu ấn tượng và tăng không ngừng ngay từ các suất chiếu sớm của phần phim mới, “Gái già lắm chiêu” đang chứng tỏ là một trong những series thành công nhất của điện ảnh Việt hiện nay về doanh thu. Điều gì đã làm nên thành công của loạt phim này? Liệu nó có mang đến bài học nào cho các nhà làm phim?
Phim cho mọi người
Từ trước khi ra mắt, “Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả” đã được quảng bá rầm rộ và tạo được hiệu ứng tốt trên các diễn đàn điện ảnh. Điều này có được là do các phần phim trước, đặc biệt là phần thứ 3 của bộ phim vừa lập kỷ lục là phim trăm tỷ hiếm hoi trong "năm Covid 2020". Mặc dù nằm chung trong một series nhưng “Gái già lắm chiêu V” sở hữu tuyến truyện hoàn toàn độc lập so với các phần phim trước đó nên vẫn có rất nhiều điểm thu hút sự tò mò của khán giả. Xoay quanh cuộc chiến giành giật tấm Phượng bào - một cổ vật có giá tới 30 triệu USD, phim mang đến nhiều thông điệp về nữ quyền, về giá trị cốt lõi của tình cảm gia đình... với nhiều chi tiết rất kịch tính. Có thể nói, “Gái già lắm chiêu V” là một bộ phim giải trí thú vị, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.
Tuy nhiên, bên cạnh sự mới mẻ, kịch tính, điều thu hút khá đông khán giả Hà Nội đến xem bộ phim này là vì khá lâu rồi họ mới được gặp lại dàn diễn viên kỳ cựu đất Bắc trong những bộ phim chiếu rạp đình đám. Đặc biệt, đây cũng là bộ phim điện ảnh cuối cùng của cố NSND Hoàng Dũng. Trong phim, ông đóng cặp với bạn diễn lâu năm - NSND Lê Khanh. Với khả năng hóa thân xuất sắc, cặp đôi này đã mang đến cho bộ phim sức nặng cảm xúc, bên cạnh cách diễn tươi trẻ, linh hoạt của dàn diễn viên phía Nam với NSND Hồng Vân, diễn viên trẻ Kaity Nguyễn...
Chia sẻ về việc lựa chọn diễn viên, đạo diễn Bảo Nhân cho biết: “Tôi mong muốn “Gái già lắm chiêu V” là bộ phim của mọi nhà. Khán giả Bắc - Trung - Nam đều có thể thưởng thức bộ phim cùng với màn diễn xuất đỉnh cao từ dàn diễn viên trong mơ này”. Trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội, NSND Lê Khanh cũng chia sẻ: "Hiện nay, rất ít đạo diễn quan tâm tới dòng phim chiếu rạp dành cho người lớn tuổi. Do vậy, tôi đánh giá lựa chọn này của các đạo diễn là một sự dũng cảm vô cùng, nó xuất phát từ khát vọng chạm đến tất cả các thế hệ”.
Ước mơ tạo nên “vũ trụ điện ảnh”
Ra mắt vào thời điểm dịch vừa tạm ngớt, “Gái già lắm chiêu V” cùng với phim “Bố già” được coi là phép thử khá mạo hiểm của các nhà làm phim trong nước về độ nóng của thị trường phát hành phim. Nhìn lại quá trình làm bộ phim này, người ta cũng phần nào hình dung được nỗi vất vả của các nhà làm phim trong năm qua. Họ phải vượt qua dịch bệnh, rồi lũ lụt ở miền Trung khi chọn bối cảnh quay chính là Huế. Đoàn làm phim “Gái già lắm chiêu V” cũng thừa nhận rằng quá trình làm phim và ra mắt phim của họ giống như “vác bom”, biết là nguy hiểm nhưng không còn lựa chọn nào khác bởi không thể dừng lại hay chờ đợi.
“Gái già lắm chiêu” cũng cho thấy đó là bộ phim được làm theo một công thức đã được cân đong tỉ mỉ, dần thành công qua các phần phim và có chủ đích về mặt thị trường. Đối với thị trường điện ảnh trong nước, các series phim chiếu rạp vẫn còn là điều rất hiếm. Trước “Gái già lắm chiêu”, gần như mới chỉ có “Nhà có khách” của đạo diễn Lý Hải là loạt phim điện ảnh thành công về mặt doanh thu, nhưng các phần phim trong “Nhà có khách” gần như không liên quan cả về tuyến nhân vật lẫn phong cách phim. Trong khi đó, ê kíp làm phim “Gái già lắm chiêu” lại có chủ đích tạo nên một “vũ trụ điện ảnh” sang chảnh bậc nhất trên màn ảnh Việt. Đó là dòng phim “nhà giàu” hiếm hoi của điện ảnh Việt với những câu chuyện rõ tính giải trí. Không chỉ là những món đồ hàng hiệu, các khách sạn cao cấp ở Sài Gòn hay những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như Đại nội - Huế, cung An Định đều được “trưng dụng” để trở thành bối cảnh chính trong phim. Đạo diễn Namcito cũng không giấu tham vọng vươn ra thế giới, anh chia sẻ: “Bộ phim có nhiều yếu tố để chinh phục khán giả quốc tế, đó là những bối cảnh đẹp đặc trưng của Việt Nam, là những món cổ vật mang bản sắc văn hóa Việt... Đây là dự án phim có mức đầu tư lớn nhất của “vũ trụ Gái già lắm chiêu” với ngân sách lên tới gần 2 triệu USD. Tôi đã dốc hết sức và dốc hầu bao để bộ phim có chất lượng cao nhất khi đến với khán giả”.
Để điện ảnh thực sự trở thành một ngành công nghiệp, thành công về doanh thu là một trong những tiêu chí quan trọng. Việc không ngừng tìm tòi những yếu tố mới để tạo nên công thức thành công của các đạo diễn trẻ rất xứng đáng được cổ vũ và nhân rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.