(HNMCT) - Việc ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động trưng bày để thu hút khách đang là xu hướng và nhu cầu tất yếu của hệ thống bảo tàng, qua đó tạo mối liên hệ mật thiết giữa bảo tàng với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam về vấn đề này.
- Thưa ông, là đơn vị tư vấn chính sách và chiến lược cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về văn hóa, đặc biệt là đơn vị tham gia xây dựng hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nói chung?
- Việc Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây không chỉ là câu chuyện khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới, mà còn giúp đất nước song hành với xu thế lớn nhất trong phát triển văn hóa - đó là lấy sáng tạo làm hạt nhân để phát triển.
Tuy nhiên, cần có những hành động thiết thực để triển khai những cam kết với UNESCO, phát huy thế mạnh của Thủ đô, đặc biệt là khai thác các giá trị di sản văn hóa. Kho tàng di sản văn hóa của Thủ đô vô cùng đồ sộ với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội. Nếu không khai thác hiệu quả, chúng ta không chỉ có lỗi với thế hệ hiện tại mà còn có lỗi với cha ông và thế hệ tương lai.
Thời gian qua, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã xây dựng kho dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể cho quốc gia, trên cơ sở đó, sưu tầm 42 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, với số lượng 254 băng betacam và DVCam cùng 10 phim khoa học đã được số hóa. Dựa trên những dữ liệu di sản này, Viện đã tham gia thực hiện hồ sơ Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc trình UNESCO công nhận năm 2010, đưa các dữ liệu này trở thành chất liệu quan trọng cho các tuần lễ sáng tạo Việt Nam năm 2019-2020...
Việc ứng dụng thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản không chỉ giúp bảo vệ di sản văn hóa tốt hơn, mà còn giúp di sản đến gần công chúng hơn. Nhờ ứng dụng công nghệ, giới trẻ - nhóm công chúng mà các nhà quản lý văn hóa mong muốn tác động đến nhiều nhất để thay đổi nhận thức và hành vi đối với di sản - đã hào hứng tiếp cận và thưởng thức giá trị di sản văn hóa. Đây là tín hiệu đáng mừng để chúng ta quyết tâm ứng dụng công nghệ vào bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh mới.
- Trước xu thế ứng dụng công nghệ nhằm phát huy giá trị di sản này, ông nhận thấy các bảo tàng ở Việt Nam đã, đang có những thay đổi, sáng tạo như thế nào để làm tốt vai trò của một thiết chế văn hóa quan trọng?
- Bảo tàng đặc biệt quan trọng với việc giáo dục, phổ biến giá trị, ý nghĩa của di sản văn hóa cũng như truyền thống của dân tộc, giúp công chúng hiểu rõ hơn về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, từ đó nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, đam mê nghệ thuật, giáo dục đạo đức cho từng cá nhân và cả cộng đồng. Trên thế giới, ở bất kỳ một quốc gia nào, thiết chế bảo tàng cũng được quan tâm phát triển, và thường được xem là thiết chế văn hóa công cộng, được Nhà nước bảo trợ.
Ở nhiều nước, việc làm cho bảo tàng trở nên hấp dẫn, thu hút du khách đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý văn hóa và các bảo tàng. Giáo dục nghệ thuật, phát triển công chúng cho các bảo tàng là hoạt động thường xuyên, và công nghệ thông tin giúp các hoạt động này trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Vì thế, số hóa bảo tàng là lĩnh vực được ưu tiên. Các bảo tàng lớn như Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng quốc gia London (Anh), Bảo tàng Metropolitan New York (Mỹ), Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc... đều đã số hóa hầu hết các tác phẩm nghệ thuật với định dạng 3D và chương trình tham quan ảo, cho phép người xem sử dụng các thiết bị di động thông minh để tìm hiểu các tác phẩm, bộ sưu tập, tác giả và thông tin có liên quan.
Gần đây, các bảo tàng ở Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học... đã nỗ lực ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày, tạo nên sức hấp dẫn lớn. Giáo dục nghệ thuật và phát triển công chúng đã được các bảo tàng chú ý bằng cách đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ứng dụng công nghệ, hấp dẫn khách tham quan, tạo hiệu quả trong hoạt động bảo tàng.
Việc thực hiện các ứng dụng số hóa, bảo tàng ảo qua mô hình 3D giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về tác giả, tác phẩm hay bối cảnh, những phê bình liên quan đến di sản, tác phẩm nghệ thuật, thậm chí phục dựng những phế tích mà bình thường khó có thể hình dung, như hệ thống cung điện thời Lý ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay mô hình 3D chùa Diên Hựu. Từ công nghệ, khách tham quan sẽ yêu thích di sản văn hóa hơn, giúp khơi dậy tinh thần dân tộc, niềm tự hào về truyền thống của đất nước, nhờ đó “khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường” như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh về vai trò của văn hóa.
- Ông có thể chia sẻ thêm về những công việc mà Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành nhằm giúp các bảo tàng đổi mới hoạt động để thu hút khách?
- Chúng ta đang sống trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những trào lưu số hóa, công nghệ thực tế ảo, dữ liệu lớn... Vì vậy, việc đổi mới hoạt động bảo tàng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ càng trở nên cần thiết. Khi bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều khách tham quan nghĩa là chúng ta đã truyền tải những thông điệp về lịch sử, văn hóa nhiều hơn đến công chúng, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cũng như củng cố những giá trị của dân tộc Việt Nam.
Để làm được việc đó, chúng tôi nhận thấy đơn vị phải trở thành tổ chức số hóa, có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài nước. Từ năm 2020, Viện đã hợp tác với Trung tâm Di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc (ICHCAP) - một trong 3 trung tâm vùng của UNESCO tại châu Á, nhằm phát triển ngân hàng dữ liệu của Viện thành trạm vệ tinh của UNESCO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi đã tiến hành số hóa các di sản văn hóa phi vật thể theo định dạng chung, chia sẻ dữ liệu trên mạng thông tin của ICHCAP với 10 quốc gia thành viên. Hợp tác quốc tế giúp chúng tôi hiểu rõ hơn thực trạng của mình, từ đó nâng cao hoạt động, trong đó có kết nối với các bảo tàng.
Hiện nay, Viện đang hỗ trợ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam số hóa một số tư liệu để tăng tính hấp dẫn trong hoạt động trưng bày của bảo tàng này. Từ khi có các sản phẩm số thuyết minh cho các hiện vật, du khách hào hứng hơn đối với trải nghiệm và đến bảo tàng nhiều hơn. Bên cạnh đó, Viện sắp hoàn tất việc xây dựng cổng thông tin điện tử với mong muốn kết nối, cung cấp thông tin và tạo sự sinh động cho hoạt động bảo tàng.
Việc ứng dụng công nghệ đã tạo nên sức sống mới cho hoạt động bảo tàng từ lâu vốn bị xem là ít đổi mới, hiệu quả thu hút khách tham quan chưa cao. Nỗ lực này không chỉ của riêng các bảo tàng mà cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan. Điều đó sẽ giúp các bảo tàng khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.