Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều quy định lạc hậu, khó thực thi

Hà Phong| 19/04/2014 06:17

(HNM) - Hình phạt được xem là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Tuy nhiên, đã xuất hiện những quy định lạc hậu với thực tiễn trong Bộ luật Hình sự gây khó cho quá trình thực thi.


Phạt… không hiệu quả

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện 5.000 - 6.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn. Ngoài lý do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện thì việc không thể xử lý hình sự do những quy định của pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế là vấn đề cơ quan chức năng đang gặp phải.

Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an Nguyễn Xuân Lý cho rằng: "Các khái niệm cơ bản như "nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn…" ghi trong Bộ luật Hình sự về tội phạm môi trường chưa được làm rõ dẫn đến việc khó áp dụng". Bất cập này khiến người dân ở những vùng ô nhiễm đang đơn độc trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại từ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, tội phạm cướp của, giết người có thể bị tử hình nhưng phạm pháp trong lĩnh vực môi trường có thể gián tiếp giết cả thế hệ chỉ bị phạt 500 triệu đồng như hiện nay khiến tội phạm môi trường ngày càng nhiều, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, gây hậu quả lớn.

Một hình phạt nữa cũng được dư luận đánh giá không hiệu quả là phạt tiền, đặc biệt là với tội trốn thuế. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã định khung hình phạt để làm cơ sở cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội trốn thuế được chính xác, đúng pháp luật. Tuy nhiên, điều luật không quy định truy thu số tiền trốn thuế của người phạm tội, mà quy định "phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế" là chưa phù hợp, mâu thuẫn với Luật Quản lý thuế, gây nên nhiều cách hiểu khác nhau. Thêm nữa, việc Bộ luật Hình sự nêu "tiền phạt có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do tòa án quyết định trong bản án" cũng không khả thi, dẫn tới hiện tượng một số người phạm tội lạm dụng, cố tình chây ỳ, dây dưa, làm cho thời gian thi hành án kéo dài.

Dễ phát sinh tình trạng "chạy án"

Ngoài vấn đề phạt không hiệu quả, việc áp dụng hình phạt tù hiện cũng còn nhiều bất cập khi khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa trong khung hình phạt của một số tội danh "được co giãn" khá rộng. Đơn cử như tội giết người có khung hình phạt "từ 7 đến 15 năm hoặc từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình". Việc "co giãn" khung hình phạt dẫn đến vận dụng khó chính xác và phát sinh loại tội phạm hoạt động trong lĩnh vực "chạy án". Chưa kể, có một số loại tội phạm hình sự có quy định hình phạt tử hình nhưng không chi tiết nên hầu như tòa án không áp dụng như tội hiếp dâm trẻ em; tội buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Với tội phạm chưa thành niên, nhiều hình phạt như cảnh cáo, buộc công khai xin lỗi, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng ít được triển khai.

Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phan Hồng Sơn cho rằng, cần nghiên cứu bỏ hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ vì cơ chế và biện pháp áp dụng thi hành án hai loại hình phạt này gần giống với chế định án treo, lại thiếu khả thi. Ông Phan Hồng Sơn cũng đề xuất, rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt tù có thời hạn tại một số điều luật có khoảng cách này tương đối rộng, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng được dễ dàng, chính xác, hạn chế được tình trạng xử lý tội phạm một cách tùy tiện. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng đồng tình với quan điểm trên vì qua rà soát của Bộ này, số khung hình phạt có khoảng cách tối thiểu và tối đa trên 7 năm tù lên tới 98 khung, trên 8 năm là 97 khung, trên 10 năm là 33 khung và cá biệt có khung hình phạt kéo dài 15 năm.

Ông Hoàng Thế Liên cho biết thêm, để bảo đảm các chính sách nhân đạo trong Hiến pháp năm 2013 được thực thi, có thể hình phạt tù sẽ được nghiên cứu áp dụng chủ yếu đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm hạn chế đến mức tối đa khả năng áp dụng hình phạt này. Hình phạt tử hình sẽ chỉ được áp dụng với một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo, xâm phạm tính mạng con người (như giết người man rợ, kèm cướp của, hiếp dâm...); đe dọa nghiêm trọng trật tự an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi (ma túy); tội phạm mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế (khủng bố, tham nhũng, chiến tranh).

Tuy vậy, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho rằng, cần có chính sách phù hợp, kết hợp giữa trừng trị và giáo dục, không xem trừng trị là mục đích chính của hình phạt mà chỉ là công cụ cần và đủ để giáo dục, răn đe. Theo đó, cần xây dựng hệ thống hình phạt linh hoạt, phong phú, có phân hóa cao, nêu rõ căn cứ, điều kiện, thủ tục áp dụng, loại tội phạm áp dụng để tránh bị lạm dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều quy định lạc hậu, khó thực thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.