(HNM) - Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo cũng như phương Tây trở nên căng thẳng trong vài tuần trở lại đây. Mới nhất, Thủ tướng Áo Christian Kern đã chỉ trích lập trường của Ủy ban Châu Âu về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh Châu Âu (EU),
Việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đang đầy trắc trở. |
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo luôn trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" và đã rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi Ankara triển khai chiến dịch trấn áp hậu đảo chính bất thành hôm 15-7. Vienna cho rằng, chính quyền Tổng thống R.Erdogan mở chiến dịch “đại thanh trừng” để thâu tóm quyền lực. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cũng lên tiếng phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể áp dụng hình phạt tử hình các nhân vật âm mưu đảo chính. Đáp lại, Tổng thống R.Erdogan cáo buộc các nước phương Tây quan tâm quá nhiều về quyền lợi của phe đảo chính, mà bỏ qua hậu quả vụ chính biến khiến hơn 240 người thiệt mạng.
Quan hệ Áo - Thổ cũng xoay vòng rối ren trong vấn đề Ankara gia nhập EU. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không ngần ngại gọi Vienna là “trung tâm của nạn phân biệt chủng tộc”. Tuy nhiên, việc ngăn chặn quá trình tham gia EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Brussels và Ankara nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào Châu Âu. Ankara tuyên bố, họ đã “hết mình” với thỏa thuận nhưng EU lại đang "nuốt" lời. Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua bế tắc trong việc thúc đẩy quá trình đăng ký tham gia EU của quốc gia nằm giữa hai châu lục Á - Âu. Ankara chấp nhận không điều chỉnh luật chống khủng bố để đổi lấy ưu đãi tự do đi lại, miễn thị thực và khoản tiền 3,3 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Hiện chính quyền của ông R.Erdogan vẫn tiếp tục tiến hành giam giữ những cá nhân được cho là tham gia đảo chính, nhằm làm "trong sạch bộ máy". Tuy Ankara khẳng định điều này nằm trong khuôn khổ Hiến pháp, nhưng nhiều nước Châu Âu lo ngại rằng, Tổng thống R.Erdogan đang lợi dụng cuộc đảo chính như cái cớ để mạnh tay thanh trừng những thế lực cản trở con đường của ông. Một số thành viên của EU cũng xem động thái Thổ Nhĩ Kỳ chủ động xích lại gần Nga là gây sức ép với Mỹ và EU, để nước này có thể sớm gia nhập ngôi nhà chung. Ngoài ra, khó khăn khác cho Ankara khi nhiều quan điểm cũng đánh giá nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ còn quá thấp so với mức trung bình của Châu Âu, và một số nước thành viên EU vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận một quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo.
Thế nhưng, có nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc EU trì hoãn quyết định miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Tổng thống R.Erdogan đình chỉ thỏa thuận tị nạn với EU vốn đang giúp ngăn chặn dòng người di cư đổ vào Châu Âu. Vì vậy, quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán của EU cũng có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - xa hơn nữa, nhất là khi Ankara đang tìm cách cải thiện quan hệ với các nước khác, bao gồm cả Nga. Sau những căng thẳng với Đức, quốc gia chủ chốt trong EU, lập trường cứng rắn của Áo cho thấy con đường đến ngôi nhà chung của Thổ Nhĩ Kỳ còn trắc trở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.