Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cơn địa chấn” ở xứ Kim chi

Thùy Dương| 04/11/2016 06:13

(HNM) - Vụ bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân chưa có dấu hiệu lắng xuống, vì vậy, quyết định cải tổ nội các, thay thế hàng loạt quan chức cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế những giờ qua.



Tổng thống Park Geun-hye đang phải đối mặt với nhiều sức ép dư luận.


Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã chỉ định ông Kim Byong-joon, 62 tuổi, làm tân Thủ tướng, thay thế ông Hwang Kyo-ahn. Việc bổ nhiệm một chính trị gia nổi tiếng có quan điểm tự do được nhìn nhận là nỗ lực từ đảng Bảo thủ của nữ Tổng thống Park Geun-hye nhằm xoa dịu phản ứng dữ dội từ phía đối lập cũng như người dân. Ngoài vị trí thủ tướng, Nhà Xanh cũng bổ nhiệm ông Yim Jong-yong, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính, làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Các quyết định thay đổi thành viên chính phủ này đang chờ được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, đợt cải tổ nội các lớn nhất từ trước đến nay tại xứ Kim chi dường như vẫn chưa đủ để xoa dịu sức ép từ phe đối lập ở Hàn Quốc. Các đảng phái đối lập cho rằng sự thay đổi này nhằm chuyển hướng dư luận khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đang bao trùm Nhà Xanh và chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, bởi sự giận dữ của dư luận Hàn Quốc nhằm vào Tổng thống chứ không phải nội các của bà.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng thêm nền kinh tế đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng từ những vụ bê bối của hàng loạt tập đoàn lớn, sự cố để cho bạn tham gia vào việc “quốc gia đại sự” như “giọt nước tràn ly”. Bà Choi Soon-sil, người có tình bạn thân thiết với nữ Tổng thống trong 40 năm qua đang bị nghi ngờ sử dụng mối quan hệ này để can thiệp vào chính trường, trong đó có một số vấn đề chính sách nhạy cảm. Bà cũng bị điều tra về việc sử dụng mối quan hệ thân cận với Tổng thống để gây ảnh hưởng lên các doanh nghiệp lớn, khiến họ quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà lập nên với số tiền khoảng 50 tỷ won (tương đương 44 triệu USD).

Trong một diễn biến mới nhất ngày 3-11, Hãng thông tấn Yonhap cho biết, các công tố viên Hàn Quốc đã tạm giữ khẩn cấp ông Ahn Jong-beom, một cựu thư ký cấp cao, đồng thời là người bạn lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye với cáo buộc lợi dụng mối quan hệ này để ép nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc quyên góp quỹ cho các tổ chức phi lợi nhuận. Theo cơ quan công tố, lệnh tạm giữ được đưa ra vài giờ sau khi ông Ahn Jong-beom được triệu tập đến Văn phòng Công tố nhằm ngăn chặn việc tiêu hủy bằng chứng.

Tổng thống Park Geun-hye đang ở năm thứ tư trong nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc khủng hoảng chính trị trên càng làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách trong giai đoạn khó khăn thường gặp ở cuối nhiệm kỳ của các Tổng thống Hàn Quốc. Đồng thời đẩy đảng Bảo thủ của bà Park Geun-hye vào tình trạng rối loạn và gây xáo trộn chính trường xứ Kim chi trước năm bầu cử 2017.

Theo các cuộc thăm dò mới nhất, tỷ lệ ủng hộ đối với bà Park Geun-hye đang ở mức thấp kỷ lục là 17%, mức thấp nhất kể từ khi bà trở thành chủ nhân của Nhà Xanh. Trong khi đó, tỷ lệ bất tín nhiệm nữ Tổng thống 64 tuổi lại tăng thêm 10%, chiếm 74% số người được hỏi. Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi đã cúi đầu xin lỗi người dân, yêu cầu hàng loạt nhân vật thân tín từ chức, gấp rút cải tổ nội các, Tổng thống Park Geun-hye khó có thể cứu vãn được cuộc khủng hoảng đe dọa số phận chính trị của bà. Vụ bê bối có thể sẽ làm tan biến mọi chính sách mà chính quyền Seoul đang theo đuổi cũng như hủy hoại "di sản lãnh đạo" của nữ Tổng thống đầu tiên tại Hàn Quốc và đẩy nền kinh tế thứ tư Châu Á vào một "cơn địa chấn" khó đoán định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cơn địa chấn” ở xứ Kim chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.